Cách mạng công nghiệp 4.0: Chờ cú hích từ Nghị quyết 52

Ngày 27/10/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52 'về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư'. Thế giới bắt đầu thay đổi mạnh mẽ khi cơn bão CMCN 4.0 mới đang trong giai đoạn đầu phát triển, tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các quốc gia, các dân tộc, từng tổ chức và mỗi cá nhân.

Chờ cú hích từ Nghị quyết 52.

Chờ cú hích từ Nghị quyết 52.

Đây thực sự là thời điểm hết sức cần thiết để có sự định hướng nhất quán, sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, xuyên suốt, tạo nền tảng toàn diên, đặc biệt về hành lang pháp luật để Việt Nam tham gia CMCN 4.0 với những bước đi cơ bản, mạnh mẽ và vững chắc. Xác định và phát huy tối đa các cơ hội và lợi thế, Nhận diện và khắc phục triệt để các thách thức hạn chế của CMCN 4.0 là hết sức quan trọng và cần thiết.

Mở đầu nghị quyết đã nhận định: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước”.

Nghị quyết đã đánh giá tình hình thực tại những mặt tích cực, làm được và đặc biệt nhấn mạnh các mặt yếu kém và nguyên nhân chủ quan như: Thể chế chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội đất nước, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm... Nghị quyết chỉ ra hai nguyên nhân chủ yếu: “Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất.

Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước còn hạn chế” và “Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ”.

Từ nhận định tình hình và phân tích các nguyên nhân, nghị quyết đã đưa ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu xuyên suốt. Về quan điểm chỉ đạo, nghị quyết nêu rõ: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội”.

Quan điểm chỉ đạo của nghị quyết còn chỉ rõ cuộc CMCN 4.0 mang lại cả cơ hội và thách thức. Phải nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hôị̣, chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước. Bên cạnh đó nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí.

Nghị quyết đã xác định yêu cầu phát huy tối đa các nguồn lực, bảo đảm đủ nguồn lực cho việc chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, xác định nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến 2045, trong đó mục tiêu tổng quát mang tính chiến lược và toàn diện: “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.”

Phần nội dung chính của nghị quyết là một số chủ chương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 trong đó hai chủ trương lớn là “Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội” và “Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia”

Nghị quyết đề ra sáu cụm chính sách và hàng loạt giải pháp đi cùng các chính sách đó gồm:

- Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu

- Chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực

- Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên

- Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội

- Chính sách hội nhập quốc tế

Qua tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và định hướng các chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết, có thể khẳng định tính cấp thiết trước mắt và chiến lược lâu dài, tạo hành lang pháp lý để tham gia CMCN 4.0, nhận diện để có thể tận dung tốt các cơ hội và khắc phục triệt để các thách thức tạo bước phát triển đột phá nhưng vẫn đảm bảo những bước đi vững chắc và an toàn cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và chủ quyền cũng như sự phát triển bền vững đất nước.

Trước khi Nghị quyết 52 được ban hành, Đảng, nhà nước và đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham CMCN 4.0, triển khai quyết liệt xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bước đi ban đầu, những bước đi khai phá. Ngoài việc đạt được những thành quả tích cực đầu tiên, nó cũng bộc lộ những hạn chế bất cập cần khắc phục. Trên cơ sở nhìn nhận toàn diện tính chất, những diễn biến của CMCN 4.0 trong khu vực và thế giới, đánh giá toàn diện thực trạng của Việt Nam và những bài học từ những bước đi ban đầu, Nghị quyết 52 sẽ mở ra một thời kỳ mới, một con đường để có những bước đi vững chắc tham gia CMCN 4.0, tạo động lực bứt phá phát triển.

Nhìn lại toàn bộ nội dung của nghị quyết và những gì CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới và Việt Nam, nó hàm chứa những nội dung xã hội rộng lớn và sâu sắc.

Trước hết, khác hẳn ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, CMCN 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, đến từng tổ chức, mỗi cá nhân với những cơ hội bứt phá và những thách thức tụt hậu.

Vượt ra ngoài khuôn khổ của cuộc cách mạng công nghiệp, CMCN 4.0 tạo điều kiện và động lực cho đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng và hoàn thiện thể chế của mỗi Quốc gia.

Tham gia CMCN 4.0 trước hết cần “nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của nó để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động”.

CMCN 4.0 tạo xuất phát điểm tương đối bình đẳng cho các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, thậm trí một số cơ sở hạ tầng của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó của các quốc gia đi trước không còn phù hợp sẽ là rào cản hạn chế quá trình chuyển đổi tham gia CMCN 4.0. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Mỗi nước đi sau có thể có lợi thế hơn nếu biết học hỏi, lựa chọn hướng đi và tiến nhanh hơn về phía trước. Chỉ có đi trước theo những lựa chọn của riêng mình mới thay đổi được thứ hạng của quốc gia”. Cũng theo Phó Thủ tướng, “do điều kiện lịch sử, Việt Nam đã lỡ nhịp cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Chúng ta cần có sự chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng tâm trọng điểm thì mới có thể nắm bắt được thời cơ, thực hiện được khát vọng thay đổi đất nước”.

CMCN 4.0 đạt ra thách thức rất lớn về lao động: việc thay đổi mô hình kinh doanh dựa vào kinh tế chia sẻ và tự động hóa sẽ gây xáo trộn, chuyển dịch cơ cấu lại lao động quy mô lớn. Xu hướng phân cực về lao động diễn ra mạnh mẽ, những người đủ năng lực nắm bắt cơ hội sẽ bứt lên và ngược lại sẽ bị tụt hậu càng xa hơn. Cần có những chính sách lao động phù hợp để tạo công ăn việc làm cho những lao động yếu thế.

CMCN 4.0 cũng đạt ra những thách thức về an ninh an toàn cần “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”.

Cuối cùng, sự giữ vững bản sắc truyền thống và sự khác biệt về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng rất quan trọng và cần thiết. Những làng nghề và những giá trị lao động thủ công truyền thống là một trong những sự khác biệt.

Bên cạnh những thách thức rất lớn khi tham gia CMCN 4.0, chúng ta có nhiều thuận lợi: đó là quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, nhà nước và Chính phủ, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phát triển khá đồng bộ đứng thứ hạng cao trong khu vực và thế giới, đặc điểm và năng lực của lao động Việt Nam phù hợp với CMCN 4.0, Phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, thói quen ứng dụng công nghệ thông tin của người Việt Nam...

Tin rằng với con đường Nghị quyết 52 đã định hình, tham gia CMCN 4.0 sẽ là cơ hội để Việt Nam phát triển bứt phá.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-cho-cu-hich-tu-nghi-quyet-52-20180504224231522.htm