Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến các ngân hàng Việt thế nào?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tác động đến tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Vì vậy, ngành ngân hàng cũng sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng khác biệt do có tốc độ phát triển đột phá, phạm vi sâu rộng và các tác động to lớn đến xã hội. Đặc biệt ngành ngân hàng sẽ có nhiều chuyển biến mới như làm thay đổi các phương thức hoạt động ngân hàng như Internet Banking, Mobile Banking...

Việc xác định rõ những tác động và xu hướng phát triển của hoạt động ngân hàng trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp các ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ càng các nguồn lực cần thiết và có hướng đi đúng đắn, kịp thời đổi mới, có những chính sách phù hợp để nắm bắt tốt những cơ hội, vượt qua những thách thức giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo được sự phát triển an toàn, bền vững trong hoạt động kinh doanh của mình.

Ngành ngân hàng sẽ có những thay đổi to lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Internet

Ngành ngân hàng sẽ có những thay đổi to lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Internet

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép ngân hàng triển khai và nâng cấp điện tử lên tầm cao mới tiết kiệm nhiều chi phí. Nói về ngành Ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TS. Tô Huy Vũ và ThS. Vũ Xuân Thanh phân tích, những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, Internet banking, Mobile Banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử…; tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép ngân hàng triển khai và nâng cấp điện tử lên tầm cao mới tiết kiệm nhiều chi phí. Đặc biệt ngành này có thể cắt bớt nhân lực nhưng chất lượng nhân lực sẽ được nâng cao

Mạng máy tính đã kết nối các thị trường tài chính trên toàn cầu thành một thị trường thống nhất và hoạt động liên tục, khắc phục được trở ngại về không gian và thời gian, tiết giảm chi phí, tạo điều kiện cho các giao dịch ngân hàng quốc tế được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng.

Về khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi, nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn (big data). Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh; nhất là tạo thuận lợi cho công tác dự báo, thống kê về hoạt động tiền tệ - ngân hàng.

Tuy nhiên, những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý và giám sát hoạt động tiền tệ -ngân hàng. Do các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, rủi ro kinh doanh phức tạp hơn, gây khó khăn cho nhiều quốc gia trong việc kiểm soát rủi ro dựa trên các phương pháp tryền thống, cơ chế giám sát ngân hàng ở mỗi nước không còn phù hợp. Do vậy, các ngân hàng Trung ương cần phải tiếp tục đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

Do việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này nên thị trường lao động trong lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ có sự thay đổi. Tuy nhiên về chất lượng nhân lực sẽ được nâng lên. Do các ứng dụng hiện đại xử lý được nhiều phần việc hơn nên các giao dịch sẽ nhanh chóng thuận tiện hơn, các ngân hàng sẽ hạn chế hoặc cắt bớt các chi nhánh và đây cũng là lý do khiến số lượng nhân viên ngân hàng sẽ giảm.

Theo TS. Tô Huy Vũ và ThS. Vũ Xuân Thanh, với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại nếu các ngân hàng không có sự thay đổi kịp thời cũng như thiếu định hướng chiển lược thì có thể dẫn đến thất bại. Gần đây, công nghệ phát triển rất nhanh - cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, điện thoại thông minh dải băng thông rộng đều là bình thường. Tốc độ đổi mới sẽ tiếp tục gia tăng. Theo đó, các định chế tài chính buộc phải đổi mới nếu muốn tiếp tục phát triển và tồn tại.

Khi công nghệ ngày càng tác động trực tiếp đến mọi hoạt động và nhu cầu sử dụng tiền mặt (tiền giấy và tiền xu) sẽ giảm mạnh, thay vào đó là tiền điện tử; vai trò và chức năng của các chi nhánh ngân hàng sẽ sớm chấm dứt. Vì thế, các ngân hàng cần tăng năng suất lao động hoặc cắt giảm hàng loạt chi phí khác như thu hẹp hoạt động, đóng cửa một số chi nhánh, đồng thời xây dựng những phương án mới.

Tuy nhiên, những vụ vi phạm và tấn công mạng đang gia tăng, dẫn đến lo ngại về tình trạng bất ổn, tiếp tục xói mòn niềm tin của khách hàng. Thực tế cho thấy, tội phạm công nghệ cao có thể lấy cắp tài sản và thông tin của ngân hàng mà không cần phải đến ngân hàng, thậm chí cũng không cần kết nối về mặt vật lý. Do đó, các chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ cần chủ động có biện pháp đối phó khả thi để đảm bảo an ninh mạng và thông tin của khách hàng.

Trước những thay đổi đang gây áp lực lên ngành Ngân hàng, các nhà quản lý cũng phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận. Dù muốn hay không, các ngân hàng và các nhà tạo lập chính sách cần chấp nhận sự thay đổi tất yếu này, mở rộng tầm nhìn về triển vọng dịch vụ ngân hàng và nhanh chóng chuyển hóa thành hiện thực, như thế mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...

Cuộc CMCN thứ 4 hay Công nghiệp 4.0, là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây.

Minh Khoa

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-tac-dong-den-nganh-ngan-hang-the-nao-d126487.html