Cách mạng Tháng Tám trong ký ức người cán bộ kiên trung

Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, ông đã nhanh chóng được giác ngộ cách mạng và trưởng thành từ tổ chức Việt Minh. Hơn 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về Cách mạng tháng 8-1945 vẫn ùa về qua từng câu chuyện kể của ông.

Tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi, ông đã nhanh chóng được giác ngộ cách mạng và trưởng thành từ tổ chức Việt Minh. Hơn 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về Cách mạng tháng 8-1945 vẫn ùa về qua từng câu chuyện kể của ông.

Ông Hà Văn Tải được Thành ủy Vinh vinh danh là cá nhân tiêu biểu.

Hồi tưởng về nạn đói năm 1945

Hà Văn Tải (1930, quê ở làng Phúc Thọ, Tổng Quan Hóa, H. Yên Thành), nay thuộc xã Phúc Thành, H. Yên Thành, Nghệ An. Thấy ông ham học, học giỏi, năm 14 tuổi, ông được cha mẹ bán ruộng cho đi học. Cậu bé Hà Văn Tải đã may mắn thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. "Là học sinh vùng nông thôn được vào Thị xã Vinh học là một điều may mắn. Thời gian trọ học ở đây, tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống cùng cực của người dân trong thời Pháp thuộc là như thế nào. Đó là thời điểm cuối năm 1944 đầu 1945, nạn đói hoành hành khắp nơi. Cứ buổi sáng đi học là tôi lại nhìn thấy những chiếc xe ba gác chở xác người kéo về nghĩa địa. Chợ Vinh lúc bấy giờ cũng trở thành chợ mua bán trẻ con. Những người mẹ vì đói đành phải bán đứa con gầy đét, xanh xao để lấy 1 vài đồng bạc Đông Dương. Thậm chí có người phải cho không con đi để lấy miếng ăn" - ông Hà Văn Tải nhớ lại.

Ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10-3, cậu bé Hà Văn Tải cùng các bạn vẫn đi học như thường lệ nhưng đến nơi thì trường đã bị Nhật chiếm. Mất trường, ông cùng mấy người bạn ôm quần áo, sách vở về quê. Về quê chứng kiến cảnh đói cũng không khác gì ở phố. Đàn ông thì vào núi đào củ mài, kiếm hoa chuối về ăn, đàn bà đi tìm lúa lép về giã để làm lớ, làm cám ăn cho đỡ đói. Nạn đói khủng khiếp khiến những người ăn mày, ăn xin nằm la liệt, ngổn ngang khắp đình làng, gốc đa. Chính vì chứng kiến những hình ảnh dân làng khổ sở, vạ vật vì đói nên mặc dù mới 15 tuổi nhưng cậu bé Hà Văn Tải đã dần dần thấm thía và được giác ngộ cách mạng.

"Đươc cán bộ Việt Minh gọi lên nói chuyện, tôi được giao nhiệm vụ tập hợp những thiếu niên trong xã tham gia viết khẩu hiệu "ủng hộ người bị đói" dán ở đình làng, gốc cây đa, tường rào nhà địa chủ. Chúng tôi còn đưa ra khẩu hiệu "giúp đỡ người bị đói", xin gạo, xin khoai giúp đỡ người ăn xin" - ông Tải kể.

Nổi dậy cướp chính quyền

Những ngày đầu tham gia cách mạng, Hà Văn Tải được giao tập hợp các thiếu niên trong xã chuẩn bị cho cuộc biểu tình cướp chính quyền ở làng và huyện. Sau một thời gian ngắn luyện tập, ông vui mừng khi được biết, đội thiếu niên sẽ có mặt trong đoàn biểu tình cướp chính quyền ở xã vào ngày 20-8. "Ngày 18-8-1945, dân làng kéo nhau đến nhà ông Phạm Thức (lý trưởng). Cán bộ Việt Minh bắt ông Thức phải nộp triện, sổ sách cho Việt Minh cai quản. Hôm đó, dân làng hô vang khẩu hiệu "Việt Minh muôn năm", "Việt Nam Độc lập muôn năm". Sau đó, Ủy ban cách mạng lâm thời của làng ra đời do ông Trần Phiệt làm chủ tịch cũng ra đời" - ông Tải kể. Ngày 25-9, cả làng Phúc Thọ, xã Giai Lạc gồm người lớn, thiếu niên, dân quân... cầm theo gậy, giáo, mác,... cùng nhiều cánh quân khác kéo xuống huyện tham gia biểu tình cướp chính quyền. "Tôi vinh dự được làm trưởng đoàn biểu tình của tầng lớp học sinh, thiếu niên. Khi đoàn chúng tôi tới dinh quan huyện Lưu Văn Xân thì thấy ông Xân đi từ trong phủ ra, mặt tái mét, phía sau có 4-5 đồng chí tự vệ áp tải. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong sân dinh quan huyện. Ông Ngô Xuân Hàm thay mặt tổ chức Việt Minh huyện tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân. Lưu Văn Xân cúi đầu giao nộp toàn bộ sổ sách, con dấu cho đại diện chính quyền cách mạng" ông Tải nhớ lại.

Sau khi cướp được chính quyền, không khí lao động sản xuất của bà con nông dân trở nên hăng hái hơn hẳn. Bớt đi cảnh những người đói nằm vật vờ chờ chết ở gốc đa, đình làng, phong trào học tập cũng trở nên sôi nổi. Ngày 3-9, tin tức truyền về cho biết, ở ngoài Hà Nội có cuộc mít tinh lớn lắm, hàng vạn người tham gia. Trong cuộc mít tinh đó, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố cho cả thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mãi đến lúc này, cậu bé Hà Văn Tải mới biết rằng Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, người được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam mới. Hưởng ứng lời kêu gọi Bác Hồ kêu gọi "Diệt giặc đói, giặt dốt", "Tuần lễ vàng", Hà Văn Tải đã tham gia lớp bình dân học vụ để dạy chữ cho người dân trong vùng và tham gia cuộc vận động nhân dân hiến vàng cho cách mạng.

Sau cách mạng tháng tám, ông Hà Văn Tải được UBCM lâm thời giao nhiệm vụ làm Trưởng ban thông tin tuyên truyền xã. Tháng 12-1948, Hà Văn Tải vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi chưa đầy 18 tuổi, làm Chánh văn phòng H. Yên Thành kiêm Bí thư chi bộ Hà Huy Tập khi mới tròn 19 tuổi. Trải qua nhiều cương vị công tác tại H. Yên Thành, Thành ủy Vinh rồi Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu, ông vinh dự được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huân chương Chống Mỹ cứu nước, Huân chương Độc lập hạng 3 và Huân chương Lao động hạng 3 của Chính phủ Lào tặng. Đặc biệt, cuối năm 2017, ông Hà Văn Tải vinh dự được đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

"Nhờ sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và sự đồng lòng, chung sức của cả dân tộc, chúng ta mới có một chiến thắng mà không phải đổ một giọt máu, không mất một viên đạn, một tiếng súng nào. Đó là bước ngoặt lớn của lịch sử dân tộc và bước ngoặt quan trọng nhất cuộc đời tôi.Tôi rất vui mừng và tự hào về điều đó" - ông Hà Văn Tải rưng rưng.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_194749_cach-mang-thang-tam-trong-ky-uc-nguoi-can-bo-kien-.aspx