Cách mạng tháng Tám và bài học sức mạnh đại đoàn kết

Chỉ trong vòng gần hai tuần lễ, với sức mạnh dời non lấp biển, nhân dân ta đã làm cho chính quyền của địch hoàn toàn sụp đổ và dựng lên chính thể mới: 'Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa'.

Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ngày 25/8/1945.

Đúng nửa tháng, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 17/9/1945 Hồ Chủ tịch có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Trong thư có đoạn viết:

“Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta.

Vì sao có cuộc thắng lợi đó?

Một phần là vì tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của cuộc toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc.

Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.

Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới ngày nay.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhờ có đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhờ đổi mới mà đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị được củng cố, ngày càng vững mạnh; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên nhiều lần, tạo tiền đề để nước ta phát triển mạnh mẽ hơn trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu to lớn đó vừa là kết quả, vừa là điều kiện thuận lợi để tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hơn 30 năm qua, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đổi mới công tác vận động quần chúng, về cải cách bộ máy hành chính, về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất… được ban hành và được thể chế hóa thành Hiến pháp (sửa đổi), nghị quyết, nghị định của Nhà nước đã và đang đi vào cuộc sống, tiếp tục thu được những kết quả tốt đẹp. Khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được mở rộng; sự đồng thuận xã hội ngày càng tăng, trở thành một nhân tố cơ bản đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế tiếp tục phát triển và tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Cùng với những tiến bộ đã đạt được, chúng ta cũng cần nhận thấy những khó khăn, thách thức đang đặt ra cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Đó là:

1.Trong quá trình phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN đã và đang làm xuất hiện ngày càng nhiều những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Mâu thuẫn đó có chiều hướng gia tăng nhanh chóng và tỷ lệ thuận với mức độ phân hóa giàu nghèo.

2. Cùng với sự gia tăng về phân hóa giàu nghèo thì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội đang là những đòi hỏi bức bách của một bộ phận nhân dân, nhất là những người đang trong tình cảnh khó khăn hiện nay.

3.Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thái độ cửa quyền, hách dịch, vòi vĩnh, gây phiền hà để nhận hối lộ ở một số cán bộ, nhân viên đã trở thành nỗi đau, sự nhức nhối của toàn xã hội, gây bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng, trực tiếp đến uy tín của Đảng, Nhà nước và mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng như việc củng cố, tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất. Để góp phần đưa cách mạng tiến lên trên con đường XHCN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chủ trương:

“Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam; tăng cường quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết dân tộc”.

Để chủ trương trên thực sự đi vào cuộc sống, cần thực hiện tốt các định hướng sau:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

- Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được ban hành đều vì lợi ích của nhân dân.

- Cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt trách nhiệm được giao, phải thực sự là “công bộc” của nhân dân, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

- Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ tham gia quản lý xã hội của nhân dân; phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất trật tự, an toàn xã hội.

Để đoàn kết được rộng rãi, lâu dài và bền vững, trong điều kiện hiện nay phải đảm bảo hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội và đoàn kết trong Đảng phải được xem như hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng kết lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chân lý:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”

Thực hiện chân lý đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng đoàn kết, toàn dân đoàn kết, nhân dân ta nhất định thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng thành công “Một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, như Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mat-tran/cach-mang-thang-tam-va-bai-hoc-suc-manh-dai-doan-ket-tintuc414389