Cách Mỹ có thể tăng sức mạnh không quân cho Ukraine mà không cần F-16

Mỹ có thể hồi sinh máy bay từ các 'nghĩa địa' để tăng cường sức mạnh không quân cho Ukraine mà không cần phải chuyển F-16 cho Kiev.

Trong khi phương Tây đang tìm cách chuyển tiêm kích F-16 cho Kiev vào cuối năm nay, có một cách để Mỹ tăng cường sức mạnh cho không quân Ukraine mà không cần phải làm điều đó: những chiếc máy bay đã nghỉ hưu và đang nằm ở “nghĩa địa”.

Cuộc phản công của Ukraine hiện nay gặp nhiều trở ngại do Kiev không có ưu thế trên không. Nga tận dụng điều này để ngăn chặn lực lượng Ukraine tìm cách vượt qua các chiến hào, bãi mìn và chướng ngại vật nằm trong tầm bắn của pháo binh. Bất chấp thực tế khó khăn, Ukraine vẫn tiến hành các cuộc xuất kích trên không, nhưng để bảo toàn trang thiết bị và phi công, họ thường hạn chế phạm vi hoạt động.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn đảm bảo các máy bay đã nghỉ hưu có thể sẵn sàng được đưa trở lại hoạt động hoặc sử dụng để lấy phụ tùng. Điều này đem lại giải pháp đơn giản để cung cấp cho Ukraine phương tiện tự vệ trong thời gian trước mắt mà không làm leo thang xung đột.

Máy bay F-16. Ảnh: Không quân Mỹ

Máy bay F-16. Ảnh: Không quân Mỹ

Giải pháp nhanh hơn, đơn giản hơn F-16

Phương Tây cho đến nay vẫn chưa cung cấp máy bay hiện đại cho Ukraine vì lo ngại có thể khiến xung đột leo thang và lan rộng. Mỹ chỉ mới bật đèn xanh cho việc gửi tiêm kích F-16 tới Kiev hồi tháng 5 và vẫn chưa bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine sử dụng chúng. Tuy nhiên, có một cách nhanh hơn, đơn giản hơn để thách thức Nga trên không, đồng thời hỗ trợ các cuộc tấn công trên bộ của Ukraine nhằm vào các vị trí phòng thủ kiên cố của Moscow.

Những chiếc máy bay mà Mỹ không còn sử dụng đến nữa và hiện đang nằm tại các “nghĩa địa” hoàn toàn thích hợp với thách thức quân sự này.

Mỹ có trong tay cả những máy bay tác chiến điện tử và các máy bay cường kích đất mà Ukraine cần để hỗ trợ cuộc phản công. Ví dụ, nghĩa địa máy bay của Mỹ có 36 máy bay trinh sát EA-6B chuyên gây nhiễu radar và hệ thống thông tin liên lạc. Dù chúng đã ngừng hoạt động trong vài năm nhưng vẫn có thể sử dụng để áp chế hệ thống phòng không của đối phương.

Nhiệm vụ tương tự cũng có thể được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) giá rẻ để tiết kiệm chi phí và bảo vệ mạng sống cho các phi công Ukraine.

Có hơn 50 chiếc UAV MQ-1B Predator và 40 chiếc C-12 Huron, loại máy bay cánh quạt 2 động cơ đa năng, có thể thu thập thông tin tình báo cũng như gây nhiễu radar của đối phương. Sự kết hợp này sẽ gây khó khăn cho radar Nga trong việc tìm kiếm máy bay Ukraine được điều động để tấn công đội hình mặt đất của Moscow.

Với khả năng gây nhiễu và tình báo trên không, Ukraine có thể khởi động các nhiệm vụ tấn công mặt đất để yểm trợ các lữ đoàn vũ trang kết hợp trên mặt trận. Những nhiệm vụ như vậy có thể thực hiện bằng cách kết hợp các loại máy bay đặc biệt được tìm thấy trong nghĩa địa máy bay của Mỹ, chẳng hạn như A-10 Thunderbolt và các trực thăng tấn công vừa ngừng hoạt động gần đây.

Chiến lược kết hợp máy bay có người lái-không người lái

Có hơn 100 chiếc A-10 đã nghỉ hưu sẵn sàng hoạt động trở lại và 281 chiếc hiện vẫn đang trong biên chế nhưng Không quân Mỹ đã yêu cầu Quốc hội cho nghỉ hưu. Những chiếc máy bay này có thể chuyển tới “nghĩa địa” vào cuối năm tài chính này.

Mặc dù A-10 không thể tự mình tồn tại trong môi trường không phận có tranh chấp, nhưng kết hợp chúng với máy bay gây nhiễu radar đặc biệt như EA-6B sẽ thay đổi cán cân.

Các máy bay quân sự tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, Arizona, ngày 15/5/20215. Ảnh: AP

Các máy bay quân sự tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, Arizona, ngày 15/5/20215. Ảnh: AP

Nghĩa địa máy bay Mỹ cũng có hơn 140 biến thể máy bay trực thăng tấn công AH-1 và 70 biến thể trực thăng đa năng UH-1. Ukraine có thể kết hợp chúng với các UAV MQ-1 theo chiến thuật có người lái-không người lái mà quân đội Mỹ từng sử dụng hiệu quả.

UAV và trực thăng tấn công có thể cùng nhau săn lùng xe tăng và pháo binh Nga dọc theo chiến tuyến, sử dụng các cảm biến tầm xa và gây nhiễu để tăng khả năng sống sót.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể bảo vệ các phi công Ukraine bằng cách biến nhiều hệ thống có người lái trong số này thành UAV hoạt động từ mặt đất. Những chiếc máy bay như vậy chỉ cần trí tuệ nhân tạo tương đối đơn giản, và hiệu quả đã được Lục quân Mỹ chứng minh.

Các hệ thống không người lái như UAV MQ-1 kết hợp với các máy bay đã chuyển đổi sẽ tấn công bằng tên lửa tầm xa và gây nhiễu ở độ cao lớn hơn, trong khi các UAV và trực thăng điều khiển từ xa sẽ tạo ra sự hỗn loạn dọc theo chiến tuyến.

Ngay cả mối đe dọa từ các cuộc xuất kích của A-10 và trực thăng tấn công cũng sẽ tạo cơ hội cho nhiều cuộc tấn công đất đối không của Ukraine nhằm vào máy bay phản lực Nga. Mỗi máy bay Nga tuần tra gần tiền tuyến để săn lùng máy bay Ukraine đều có nguy cơ bị trúng tên lửa đất đối không của Kiev.

Các hệ thống phòng không bổ sung mà Nga điều động để bắn hạ các lực lượng không quân của Ukraine lại trở thành một mục tiêu khác cho các phương tiện tấn công tầm xa như HIMARS và bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất.

Hạn chế nguy cơ xung đột lan rộng

Hơn nữa, các máy bay hồi sinh từ “nghĩa địa” này sẽ đem lại giải pháp cho chính quyền Tổng thống Joe Biden để hạn chế nguy cơ xung đột bùng nổ bên ngoài biên giới Ukraine.

Washington có thể bắt đầu bằng cách gửi máy bay trực thăng và UAV, đồng thời đảm bảo các trạm kiểm soát ở Ukraine bị giới hạn trong hàng rào địa lý để giữ máy bay ở bên ngoài lãnh thổ Nga và Belarus.

Các hệ thống này có phạm vi tương đương với vũ khí đã được chuyển giao cho Ukraine nhưng đem lại sự linh hoạt cho các chỉ huy quân đội Kiev để tạo ra các đội hình mới. Nếu điều đó mang lại kết quả và không dẫn đến căng thẳng leo thang, Washington có thể bắt đầu chuyển giao máy bay tấn công mặt đất như A-10.

Bất kể gói viện trợ có thể bao gồm những gì, những chiếc máy bay hồi sinh từ nghĩa địa cũng rẻ hơn nhiều so với máy bay mới. Washington và các đối tác vẫn cần đào tạo phi công Ukraine và tư vấn về sự kết hợp sáng tạo các khí tài hàng không, nhưng những chi phí này là hoàn toàn kiểm soát được và phù hợp với những nỗ lực hiện tại của Mỹ.

Ngay cả khi Ukraine chỉ sử dụng một nửa số máy bay và phần còn lại để lấy phụ tùng, đó cũng vẫn là một hệ số chiến đấu đáng kể. Để những cỗ máy bám đầy bụi ở Mỹ chẳng đem lại ích lợi nào.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo WSJ

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cach-my-co-the-tang-suc-manh-khong-quan-cho-ukraine-ma-khong-can-f-16-post1038423.vov