Cách nào để kết nối doanh nghiệp với nhà khoa học?

Hoạt động kết nối giữa nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp hiện còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp muốn có công nghệ, sản phẩm mới, sáng tạo nhưng không biết tìm ở đâu, trong khi nhiều nhà khoa học thì miệt mài nghiên cứu rồi... cất kết quả vào ngăn kéo!

Khoảng cách giữa nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp

Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2016 tại 10 ngành, trong đó 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ có tuổi đời hơn 6 năm. Công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%). Tỷ lệ công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó hơn 18% là công nghệ trước năm 2005. Những con số trên cho thấy, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong những ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam còn lạc hậu.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) ở Việt Nam chưa thực sự phát triển để giúp doanh nghiệp có thể tìm kiếm và mua các công nghệ hay bí quyết mà họ cần. Hệ số chuyển giao công nghệ nội địa từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. “Kết nối "ba nhà" (khoa học; tổ chức trung gian và doanh nghiệp) vẫn rất hạn chế và còn khoảng cách xa giữa nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mò mẫm tự tìm nghiên cứu và sáng tạo sản phẩm mới, còn không ít nhà khoa học thì ôm ấp các công trình mà đầu ra là... ngăn kéo của các viện, trường”, ông Vũ Tiến Lộc lý giải.

Theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI thực hiện mới đây, hơn 85% doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển để có được những sản phẩm mới. Để đổi mới quy trình, các doanh nghiệp chủ yếu thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp công nghệ hiện tại, trong khi hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Hiện các tổ chức giao dịch công nghệ và tài sản trí tuệ còn thiếu và yếu. Những tổ chức này thực hiện vai trò kết nối giữa người có nhu cầu công nghệ và người làm ra công nghệ. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các sàn giao dịch công nghệ phải tận dụng được hệ thống, phần mềm để kết nối càng nhanh càng tốt. Hiệu quả chuyển giao công nghệ phải theo cấp số nhân, trở thành đầu mối thu hút lực lượng công nghệ trong nước và quốc tế.

Cần phát triển mô hình sàn giao dịch công nghệ

Vấn đề liên kết, chuyển giao giữa viện, trường, nhà khoa học với các doanh nghiệp đã được các nước phát triển rất quan tâm và có nhiều mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi. Ngay tại khu vực ASEAN, Malaysia là nước có nhiều chính sách và mô hình liên kết để phát triển KH&CN cho các doanh nghiệp. Malaysia có hẳn chương trình chuyển giao tri thức với sự tham gia của doanh nghiệp, viện, trường và các tổ chức trung gian, trong đó coi doanh nghiệp là trọng tâm. Malaysia cũng thành lập nhiều trường đại học có sự tham gia của doanh nghiệp để phục vụ các ngành công nghiệp lớn.

Khách hàng trải nghiệm bàn thực tế ảo tại Diễn đàn Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong mối liên kết này, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường KH&CN. “Ở đây vai trò Nhà nước định hướng đưa ra cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp và chi tiền. Các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm đưa sản phẩm này vào thị trường nhanh nhất và đưa ra toàn cầu. Trong liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm, quyền lợi của các bên phải được minh bạch”, ông Lộc cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBosses Việt Nam, gợi ý, để hình thành được các sàn giao dịch công nghệ, Nhà nước có thể hỗ trợ ban đầu 10-20 tỷ đồng làm vốn “mồi” giống như Singapore đã làm. Khi các ý tưởng này đến bước phê duyệt, triển khai, thương mại hóa và nhân bản, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vào cuộc. Ông Hòa cũng cho rằng, khâu nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất kém, chưa có quy trình chuẩn mực để chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho việc hình thành các sàn giao dịch công nghệ, ở đó huy động được chuyên gia công nghệ toàn cầu cùng giải bài toán cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, VCCI cũng đã có nhiều hoạt động nhằm giúp doanh nghiệp cập nhật, đổi mới công nghệ thiết bị. Thông qua chương trình hợp tác với Bộ KH&CN, từ năm 2007 tới nay, VCCI đã tổ chức hơn 60 chương trình hội thảo, diễn đàn nhằm phổ biến thông tin công nghệ, kết nối nhu cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. VCCI đang hướng tới thành lập hiệp hội tập hợp các doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức trung gian giúp phát triển thị trường KH&CN.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cach-nao-de-ket-noi-doanh-nghiep-voi-nha-khoa-hoc-549247