Cách nào giữ lại, không chặt 300 cây xanh cổ thụ ở Sài Gòn?

Nhiều người dân ở Sài Gòn bày tỏ sự tiếc nuối và lo lắng khi biết tin thành phố sẽ đốn hạ và di dời 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM), để phục vụ việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 và tuyến Metro.

300 cây trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được đốn hạ và di dời để thực hiện hai dự án - Ảnh: Vũ Phượng

Trước đó, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết khoảng 300 cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được đốn hạ và di dời để phục vụ cho dự án xây cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với quận 2) và hạng mục xây dựng nhà ga Ba Son (thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên).

Trong đó, hạng mục nhà ga Ba Son cần đốn hạ và di dời 16 cây xanh. Số cây xanh còn lại sẽ được chủ đầu tư dự án Cầu Thủ Thiêm 2 là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh báo cáo phương án trình UBND TP vào cuối tháng 4.2016.

Người dân xót cây

Tôi nghĩ rằng thành phố có dư sức để có phương án giữ lại các cây xanh thay vì đốn hạ và di dời. Vì vậy nên cần xem xét kỹ lưỡng nếu không sẽ tạo ra luồng dư luận như vụ cây xanh ở Hà Nội.

TS Phạm Sanh

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, nhiều người dân Sài Gòn đã vô cùng tiếc nuối và xót xa vì đã gắn bó với hàng cây xanh rợp bóng mát này từ rất lâu.

Ông Lê Văn Long (68 tuổi) làm nghề sửa xe trên đường Tôn Đức Thắng kể sau khi giải ngũ về đã làm nghề sửa xe ở con đường này. Chứng kiến bao nhiêu đổi thay của thành phố nhưng hàng cây xanh sừng sững vẫn rợp bóng.

Ông Long nghẹn ngào: “Chặt cây xanh đi nắng chang chang tôi không biết kiếm sống thế nào. Hai thằng con trai bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam giờ gần 30 tuổi vẫn không làm được gì. Hàng cây thân quen, kiếm kế sinh nhai của bao người, cũng như biểu tượng của Sài Gòn rồi. Chặt đi xót lắm”.

Hàng cây gần trăm năm tuổi gắn liền với ký ức của nhiều người Sài Gòn - Ảnh: Vũ Phượng

Cùng suy nghĩ với ông Long, những người mưu sinh trên “con đường mát rượi” này ai cũng xúc động khi nghe tin sẽ đốn hạ và di dời 300 cây xanh.

Bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi) bán thuốc lá gần Trung tâm mục vụ, Tổng giáo phận Sài Gòn tiếc nuối nói: “Đường tuy chật chội nhưng cây xanh mát rượi. Chiều chiều mọi người đi làm qua xe kẹt đông đúc nhưng không ai khó chịu cũng vì đang len lỏi giữa hàng cây cao ngút ngàn này. Có chứng kiến hàng cây mấy chục năm mới thấy xót xa!”.

Hàng cây xanh mát rượi cả đường đi - Ảnh: Vũ Phượng

Không chỉ những người buôn bán lâu năm trên con đường Tôn Đức Thắng, mà những bạn trẻ Sài Gòn cũng rất hụt hẫng khi nhận được lời bức tử cây xanh phũ phàng.

Dương Thị Thúy An, (sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Em chưa thể tưởng tượng được nếu con đường đến trường hàng ngày rợp bóng cây xanh của tụi em sẽ ra sao nếu thiếu bóng hàng cây đại thụ này”.

Nhiều khách du lịch thích thú đi bộ dưới hàng cây cổ thụ - Ảnh: Vũ Phượng

Ngoài ra, Thúy An cũng bức xúc rằng phát triển đô thị phải đi kèm với phát triển bền vững và chú trọng đến bảo vệ môi trường. Đốn những cây cổ thụ, đại thụ đã sống hàng trăm tuổi không chỉ hủy hoại một trong những chứng nhân lịch sử gắn liền vói thành phố mà còn như một việc làm gây mất cân bằng sinh thái.

Nên ngưng dự án cầu Thủ Thiêm 2 để tìm giải pháp

Theo tiến sĩ (TS) Phạm Sanh, chuyên gia giao thông TP.HCM đang thiếu cây xanh đường phố, đặc biệt là cây cổ thụ nên việc đốn hạ và di dời 300 cây xanh ở đường Tôn Đức Thắng là rất phí.

Nhiều người dân bất bình trước việc chặt hạ và di dời số cây xanh này - Ảnh: Vũ Phượng

“Với dự án nhà Ga Ba Son, việc đốn hạ và di dời 16 cây còn có thể chấp nhận được. Vì nếu không xong nhà ga này thì đến năm 2020 tuyến đường sắt Metro không thể đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án cầu Thủ Thiêm 2 cần cân nhắc lại”, TS Phạm Sanh nhấn mạnh.

Hàng cây xanh vẫn mát rượi trong những ngày oi ả - Ảnh: Vũ Phượng

Theo đó, TS Phạm Sanh cho rằng thành phố đang kêu gọi bảo vệ môi trường mà chặt đi 300 cây xanh cổ thụ là việc làm rất không nên. Thay vào đó, tạm ngưng dự án cầu Thủ Thiêm 2 lại để tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia và người dân nhiều hơn nữa để xem có giải pháp nào khác để thay đổi tuyến đường để hạn chế số cây bị đốn hạ. Nếu cứ tiến hành sẽ làm cho bài toán môi trường của thành phố bị bức tử.

TS Phạm Sanh khẳng định: “Tôi nghĩ rằng thành phố có dư sức để có phương án giữ lại các cây xanh thay vì đốn hạ và di dời. Vì vậy nên cần xem xét kỹ lưỡng nếu không sẽ tạo ra luồng dư luận như vụ cây xanh ở Hà Nội”.

Vũ Phượng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/cach-nao-giu-lai-khong-chat-300-cay-xanh-co-thu-o-sai-gon-685662.html