Cách Nga ngoại giao làm thay đổi trật tự thế giới

Phong cách ngoại giao của Moscow và Washington đang hoàn toàn trái ngược khi Nga mang quá nhiều lợi ích cho đối tác, còn Mỹ thì trừng phạt...

Nga sát cánh cùng Triều Tiên?

Ngày 5/10, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matviyenko cho biết phía Nga và Triều Tiên đang có những thảo luận để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.

Bà Matviyenko cho biết bà đã đến thăm Triều Tiên theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ kỷ niệm Quốc khánh quốc gia này hôm 9/9 và có cuộc thảo luận sâu sắc với lãnh đạo Triều Tiên - Chủ tịch Kim Jong-un.

Hiện tại, cả hai bên đang thảo luận những vấn đề về thời gian và địa điểm cho chuyến thăm Nga của ông Kim Jong-un. Dự kiến cuộc gặp gỡ này sẽ sớm được tổ chức ngay trong năm 2018.

Theo thông tin từ bà Matviyenko, cuộc gặp này sẽ có những thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và Moscow luôn tin tưởng vào thiện chí mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Đồng thời, quan điểm của Nga cũng đồng thuận với việc Triều Tiên không thể đơn phương phi hạt nhân hóa, và Moscow sẽ có trách nhiệm hỗ trợ Bình Nhưỡng tối đa trên mọi phương diện có thể.

Quan điểm được bà Matviyenko đưa ra được cho là đại diện cho quan điểm của Tổng thống Putin đối với vấn đề Triều Tiên. Trong phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa qua, Tổng thống Nga Putin cũng một lần nữa nhắc lại quan điểm Triều Tiên không thể đơn phương giải quyết vấn đề phi hạt nhân của mình, cần có những sự hỗ trợ và tin tưởng của các bên liên quan.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ gặp nhau vào cuối năm 2018

Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ gặp nhau vào cuối năm 2018

Những phát biểu này dường như cáo buộc thẳng thắn tới Mỹ khi Washington kiên quyết không dỡ bỏ các lệnh cấm vận cũng như chấm dứt tình trạng chiến tranh với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng tự giải giáp toàn bộ vũ khí hạt nhân của mình.

Điều đáng chú ý hơn, Nga liên tiếp có những động thái mách nước, ngầm trợ giúp Triều Tiên trong suốt quá trình đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Cần nhớ rằng, trước khi Chủ tịch Kim Jong-un gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 thì ngày 31/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cất công sang thăm Bình Nhưỡng và nhắc đến quan điểm "không đơn phương phi hạt nhân".

Trước khi có cuộc gặp cấp Ngoại trưởng với Mỹ dự kiến vào trung tuần tháng 10/2018, thì Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui của Bình Nhưỡng đã nhanh chóng có chuyến thăm Moscow hôm 4/10.

Mỹ đóng vai kẻ bắt nạt

Trong bối cảnh chính quyền Washington - Donald Trump ngày càng thể hiện sự khó lường và nguy hiểm thì Moscow - Putin luôn thể hiện ra một bộ mặt nhất quán, tin cậy.

Sự khó lường của Donald Trump khiến Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã phải đề nghị xem xét lại mối quan hệ giữa Berlin và Washington. Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đăng đàn kêu gọi Pháp và Anh cần nắm vai trò trụ cột trong NATO và đừng quá tin tưởng vào những quan điểm của nước Mỹ thời điểm này.

Một thực tế khác đáng quan ngại hơn khi Tổng thống Donald Trump đang vung vẩy cây gậy trừng phạt của mình. Thông điệp 'nước Mỹ trước hết' nhiều khi bị hiểu là nếu không vì lợi ích nước Mỹ, sẽ nhận trừng phạt.

Từ khi lên nắm quyền, Washington - Donald Trump đã tiến hành những biện pháp cứng rắn với Trung Quốc đến mức xảy ra chiến tranh thương mại, thậm chí, nước Mỹ còn coi Trung Quốc là "kẻ thù nguy hiểm nhất cần loại bỏ".

Mỹ tăng cường trừng phạt Nga một cách khắc nghiệt trên mọi lĩnh vực. Sự cực đoan thù hận của Washington với Moscow lên tới đỉnh điểm khi thông qua CAATSA, chỉ cần có hành động buôn bán với Nga cũng đủ để trở thành kẻ thù của Mỹ và phải bị trừng phạt.

Trung Quốc đã bị trừng phạt kiểu đơn phương như thế. Hợp đồng mua hệ thống phòng thủ S-400 của Ấn Độ từ Nga vừa ký kết hôm 5/10 cũng đang trong diện chờ trừng phạt. Indonesia vừa rồi cũng phải tạm hoãn hợp đồng mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga vì sợ mình cũng bị vạ lây.

Quan điểm ngoại giao của ông Putin và ông Trump hoàn toàn trái ngược

Còn Thổ Nhĩ Kỳ, khi bày tỏ quan điểm thân Nga và cương quyết mua hệ thống phòng không của Nga, Mỹ đã trừng phạt thẳng tay vào kinh tế quốc gia này khiến đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ trượt giá thảm hại.

Những quyết sách của ông Trump đang tạo cho đối tác của Mỹ có cảm giác đang chơi với một người bạn lớn hơn nhưng hung hăng và chỉ giỏi bắt nạt.

Ngược lại, Moscow - Putin lại đang thể hiện một vai trò hoàn toàn khác. Mọi điểm nóng trên thế giới đều có sự can thiệp của Nga, nhưng bộ mặt Nga lại rất thân thiện. Nga ký hợp đồng bán S-400 cho Ấn Độ, nhưng tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo khẳng định đây chỉ là việc buôn bán bình thường, không có mục đích địa chính trị, không nhằm vào ai.

Nga thể hiện hợp đồng của mình với Ấn Độ là sòng phẳng, là đàng hoàng, và nếu trừng phạt điều này chắc chắn sẽ là hành động lố bịch.

Nga hậu thuẫn Triều Tiên, giúp quốc gia này dù nhỏ bé và từng bước mất lá chắn hạt nhân của mình cũng được yên tâm sẽ không bị kẻ khác bắt nạt.

Nga đưa quân trực tiếp tham chiến vào Syria nhưng để giúp quốc gia Trung Đông này kết thúc 7 năm nội chiến. Không cần biết chính quyền được hưởng lợi là phe thân Nga hay thân Mỹ, chỉ cần biết rằng kết thúc nội chiến là kết thúc sự đau khổ bi thương cho hàng chục triệu người dân Syria.

Chính nhờ phương pháp ngoại giao nhất quán, quyết đoán, thân thiện này khiến Nga từng bước làm thay đổi trật tự thế giới đơn cực mà Mỹ dầy công xây dựng từ sau Chiến tranh lạnh đến nay.

Tân Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cach-nga-ngoai-giao-lam-thay-doi-trat-tu-the-gioi-3366765/