Cách nhiệt đúng cách

Làm nhà ở đâu cũng phải cân nhắc giải pháp giữa hình thức kiến trúc với tính năng kỹ thuật sao cho ngôi nhà chịu đựng được sự thay đổi của thời tiết bên ngoài, cũng như tạo nên môi trường sống tốt bên trong.

Những giải pháp tường rào, bao che bằng hệ lam giúp lọc nắng, ngăn nhiệt tốt mà vẫn thoáng gió, kín đáo.

Khá nhiều người chọn căn hộ chung cư ngoài các lý do về tiện ích, giá cả hay phong cách sống, còn có một lý do thuần túy kỹ thuật, đó là ở trong căn hộ ít khi phải lo chống nóng, chống thấm như ở nhà riêng, dù là nhà phố hay biệt thự.

Nhìn trở lại ngôi nhà truyền thống dân gian Việt, hầu hết giải pháp xử lý đều xoay quanh vấn đề thích ứng với khí hậu nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, gió mùa và độ ẩm cao, cộng thêm bão lũ... Khi vật liệu chưa đa dạng như hiện nay, nhà Việt xưa đã biết chống nóng hiệu quả từ khâu chọn đất, đắp nền cao, đào ao tạo mặt nước điều hòa mát mẻ, trồng cây, xoay cửa rộng sang hướng tốt, làm đầu hồi về phía nắng xấu.

Chống nóng, đón gió mát luôn đi đôi với cách nhiệt đúng cách, bởi việc cách nhiệt này còn tính toán kết hợp đến yếu tố mùa đông hay mùa mưa bão, chứ không chỉ mở thông thống cho thoáng là xong.

Nhiều người đã biết kiểu nhà biệt thự Pháp xây trước đây ở Việt Nam ta luôn thấy mát mẻ, vì họ làm kích thước thông thủy khá cao và mái ngói vươn ra rộng. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì nếu để ý thêm, ta sẽ thấy hệ thống tường chịu lực khá dày cộng với hành lang bao quanh và dùng hệ cửa lam chớp giúp nhà cách nhiệt tốt hơn mà thông gió cũng tốt hơn.

Nhà hiện đại vì vấn đề “tấc đất tấc vàng” đã bỏ qua việc cách nhiệt theo kiểu này, tường mỏng hơn, kính lại nhiều hơn và mái bằng rõ ràng là chống thấm chống nóng “mệt mỏi” hơn là hệ mái dốc

Bên cạnh đó, nên cần lưu ý đến bao cảnh bên ngoài nhà để tính toán hình dáng, bố trí tường ngoài và trổ cửa cho phù hợp. Những nơi trống trải thì gió luân chuyển mạnh hơn như nhà nhìn ra công viên, ven sông, ven biển… cho nên khối nhà ở những vùng đó cần thiết kế mang tính khí động học mềm mại để gió không tác động trực tiếp vào mặt nhà mà men theo các mảng cong, giảm bớt áp lực gió ngang.

Để giảm việc “gió vào nhà trống” thì những bình phong (thiên nhiên hay nhân tạo) rất cần thiết nhằm giúp giảm bớt tốc độ gió, đồng thời tăng thêm khả năng chống bức xạ cho bề mặt nhà.

Cách nhiệt từ trên xuống thông qua kết cấu mái cũng vậy. Đối với mái dốc, dù lợp bằng vật liệu dày (tôn cách nhiệt, ngói, thậm chí đúc bêtông rồi dán ngói lên) thì vẫn phải lưu ý làm khoảng trống thông gió dưới mái. Khoảng trống này có thể là một sàn áp mái để sử dụng làm kho, cũng có thể chỉ là khoảng trần đóng ngang hoặc đóng nghiêng theo mái, nhưng luôn đảm bảo có khoảng hở thông cho gió ra gió vào để tránh tích tụ nhiệt.

Đối với mái bằng, thay vì để một sân thượng trống trải thì nên bố trí chức năng sử dụng đi kèm biện pháp cách nhiệt. Ví dụ sân phơi thì nên có mái nhẹ (phòng khi mưa và tránh để quần áo tiếp xúc trực tiếp với bức xạ), sân cây cảnh thì có khung, có giàn cây leo chắn nắng. Nếu cân nhắc thấy rằng bản thân và gia đình ít thời gian cũng như khả năng sử dụng hiệu quả phần mái bằng thì nên làm mái dốc ngay từ đầu để “đội mũ” cho an toàn và hiệu quả hơn.

Bài: KS Quách Bửu Long - Ảnh: An Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cach-nhiet-dung-cach-23007.html