Cách phá vỡ rào cản dòng nhạc giao hưởng với công chúng

Nhạc giao hưởng được ví như 'bà chúa của vương quốc âm nhạc'. Chính vì lẽ đó mà nhiều người cho rằng nhạc giao hưởng được xem như thể loại nghệ thuật 'hàn lâm' và thậm chí có phần xa xỉ với số đông người nghe nhạc ở Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà dòng nhạc giao hưởng được giới tinh hoa ví von như tiểu thuyết của văn học, là "kỳ quan âm thanh" của dòng nhạc chuyên nghiệp. Nhạc giao hưởng có bề dày lịch sử lâu đời, được hình thành trong những năm 30 của thế kỷ XVIII với tên gọi “symphonie”, tiếng Hi Lạp có nghĩa là hòa hợp âm thanh.

Nhạc giao hưởng - một dòng âm thanh mạnh mẽ, sinh động khắc trong kí ức của bất kỳ người yêu âm nhạc những tên tuổi của các thiên tài như Haydn, Mozart, L.V. Beethoven. Họ là những người đặt nền mống đầu tiên cho dòng nhạc với những bản ca bất hủ "Anh hùng ca" - số 3, "Định mệnh" - số 5, "Đồng quê" - số 6 và "Niềm vui" số 9. Từ sự vĩ đại và con đường đã hình thành của cha ông, thể loại giao hưởng mang biến thiên và được tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở thế kỷ XIX, XX trong sự nghiệp sáng tạo của các thiên tài Schubert, Traicovsky, Berlioz, List, Debbussy, Maler, Prokofiev và Soxtakovic. Trải qua bao thăng trầm, nhạc giao hưởng vẫn giữ ngôi vị độc tôn của môn nghệ thuật không lời, vượt khỏi cái nôi châu Âu và vươn đến với những xứ sở xa xôi.

Chính vì được xem là tuyệt đỉnh sáng tạo nghệ thuật của nhân loại, nhạc giao hưởng nghiễm nhiên trở thành một thể loại nhạc được quan niệm chỉ dành riêng cho giới "bác học" và kén người nghe với nhiều lý do có thể kể đến như:

Bản sắc văn hóa và trình độ văn hóa

Cũng giống như các hình thức nghệ thuật như nhạc kịch, chèo, tuồng hay cải lương, dòng nhạc giao hưởng cứ như bị văng ra khỏi bánh xe của thời cuộc, nhường chỗ cho những bộ môn nghệ thuật đương đại luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với giới trẻ. Để lý giải điều này, nhiều người cho rằng nhạc giao hưởng đòi hỏi người thưởng thức phải am hiểu và có kiến thức nhất định về thể loại âm nhạc này.

Sự hiểu biết này lại nằm ở bản sắc văn hóa và trình độ văn hóa của từng dân tộc. Với lịch sử là vùng văn minh "lúa nước", người dân Việt Nam đã quen thuộc với thể loại âm nhạc làm bật lên tâm tư tình cảm đời thường của mình thông qua những nhạc cụ giản đơn (như trống, phách, đàn cò, đàn kìm…). Nhưng với dòng nhạc giao hưởng đến từ phương Tây là thể loại nhạc không lời chứa những âm thanh, phối khí phức tạp.Vì thế, dòng nhạc này đòi hỏi người nghe phải hiểu được chức năng và vai trò của từng loại nhạc cụ mới nắm bắt được "linh hồn" buổi biểu diễn.Kết quả, nhiều người gặp trở ngại trong việc thưởng thức.

Cần sự yên tĩnh tuyệt đối

Để nghe nhạc cổ điển, bạn cần phải có một không gian yên tĩnh, một tâm hồn lắng đọng để có thể "thẩm thấu" được toàn vẹn cái hay, cái đẹp của dòng nghệ thuật đỉnh cao này. Chính vì thế, sẽ là khó khăn cho nhiều người, đặc biệt là người trẻ phải ngồi yên lặng suốt vài tiếng đồng hồ để lắng nghe và thưởng thức buổi biểu diễn.

Trong khi đó, sự lên ngôi của các dòng nhạc mới như Rock, EDM thu hút phần lớn các thính giả trẻ, yêu thích sự sôi động. Nơi mà họ có thể tự do lắc lư theo điệu nhạc, ca hát, nhảy múa và thưởng thức các loại thức uống ngon lành mát lạnh. Đến với dòng nhạc giao hưởng, nhiều người trẻ phải ngồi yên và giữ sự yên lặng tuyệt đối để chú tâm vào vở diễn cũng như thể hiện sự tôn trọng với các nghệ sĩ.Điều này phần nào trở thành một nỗi "ngán ngẩm" đối với nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ khi đến với dòng nhạc chuyên nghiệp này.

Chương trình khan hiếm

Một trong những lý do khiến nhạc giao hưởng không gắn bó nhiều với đời sống công chúng là vì mỗi năm, buổi hòa nhạc với chủ đề nhạc giao hưởng chỉ được đếm trên đầu ngón tay so với những loại hình nghệ thuật giải trí khác.Chính vì thế, công chúng trở nên ít "mặn mà" với dòng nhạc cổ điển hàn lâm này.Đến cuối cùng, việc đi đến nhà hát để nghe nhạc giao hưởng dường như trở thành một thú vui "xa xỉ" đối với nhiều người vì giá vé cho mỗi buổi hòa nhạc thường trị giá vài trăm đến cả triệu đồng.

Tuy nhiên, hiểu được giá trị vĩnh hằng của nhạc giao hưởng và muốn rút ngắn khoảng cách giữa công chúng Việt Nam và dòng nhạc này, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 vào ngày 06/10 sắp tới đây.

Đặc biệt, việc mời được dàn nhạc London Symphony Orchestra danh tiếng thế giới với hơn 90 nghệ sĩ hàng đầu là cả sự nỗ lực của Vietnam Airlines để kết nối nền nghệ thuật hàn lâm đến với công chúng. Sự kiện được truyền hình ra các màn hình lớn đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng và quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để khán giả thưởng thức miễn phí khi tới tham gia hoạt động tại không gian phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Theo dự kiến, chương trình sẽ diễn ra trong 105 phút, mở màn là nhạc phẩm "Tiến quân ca" được phối đặc biệt, tiếp đến là 7 ca khúc kinh điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng, được điều hành bởi nhạc trưởng Elim Chan - một trong những nữ nhạc trưởng xuất sắc của thế giới. Buổi hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 được xem là sự kiện mang tầm vóc quốc tế, giúp ghi tên Việt Nam vào bản đồ nhạc giao hưởng thế giới và kết nối con người, văn hóa giữa các quốc gia với nhau.

Phương Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/cach-pha-vo-rao-can-dong-nhac-giao-huong-voi-cong-chung-915720.html