Cách phân biệt đột quỵ sau khi uống rượu và người say rượu

Theo chuyên gia, sử dụng rượu bia quá mức liên quan đến gần 200 nguyên nhân về bệnh tật như đột quỵ. Người đột quỵ vì rượu bia sẽ có phản ứng khác người say rượu thông thường.

Rượu bia làm tăng tỷ lệ đột quỵ ở nhiều người. Ảnh: Unsplash

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), sử dụng rượu quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh mạn tính như huyết áp, đái tháo đường tim mạch, bệnh gan...

Ngoài ra, uống nhiều rượu còn gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần, các vấn đề xã hội và có thể gây nghiện.

Bên cạnh đó, rượu bia có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến não, gây ra đột quỵ hoặc gián tiếp gây ra đột quỵ do rượu bia làm thay đổi những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như tăng mỡ máu, tăng đường huyết, tăng huyết áp, xơ xữa động mạch, tổn thương các cơ quan gan, thận, não...

Biểu hiện nguy hiểm

Đột quỵ xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, phổ biến hơn ở nhóm người từ 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ có chiều hướng gia tăng, chiếm 10-15% tổng số ca đột quỵ.

Một nghiêm cứu cho thấy 18,2% bệnh nhân đột quỵ dưới 45 tuổi có tiền sử uống rượu, từ đó tăng nguy cơ đột quỵ não. Đối với những bệnh nhân có bệnh nhiều nền như tăng huyết áp, đái tháo đường... rượu bia sẽ là một yếu tố thúc đẩy bệnh đột quỵ.

Chuyên gia này cũng cho biết những người uống trung bình trên 2 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 34% so với người ít uống hoặc không uống rượu. Người thường xuyên sử dụng rượu với liều lượng cao sẽ dễ đối mặt với đột quỵ sau tuổi 50.

Theo bác sĩ Vũ, người đột quỵ sau khi uống rượu bia và người say rượu thông thường có thể phân biệt bằng cách đánh thức.

Người say rượu thông thường khi đánh thức sẽ có phản ứng hoặc trả lời; không có các triệu chứng cho người đang đột quỵ như yếu liệt, miệng méo, không nói được…

Ngược lại, người hôn mê do đột quỵ sau khi uống rượu sẽ không dậy khi bị đánh thức, không phản ứng khi bị kích thích đau (nhéo, day xương ức). Lúc này, người thân cần phản ứn nhanh và đưa người thân đến bệnh viện cấp cứu vì có thể họ đang hôn mê do đột quỵ sau khi uống rượu.

Liều lượng uống rượu bia an toàn?

Thời điểm cuối năm, tiệc tùng, bia rượu nhiều, tần suất sử dụng bia, rượu cũng tăng. Từ đó, các yếu tố gây đột quỵ cũng sẽ tăng theo.

Theo bác sĩ Vũ, để tránh ngộ độc rượu và tác hại của rượu, bia, mọi người tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được.

Ngoài ra, không có ngưỡng thực sự an toàn cho việc sử dụng rượu bia, chỉ dùng một lượng rất nhỏ cũng có ảnh hưởng nhất định đối với cơ thể.

Theo chuyên gia, không có liều lượng uống rượu bia an toàn. Ảnh: Unsplash.

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người cũng không nên uống đồ có cồn quá 5 ngày/tuần. Nam giới trưởng thành không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ngày. Nữ giới trưởng thành không quá một đơn vị rượu/ngày.

Một đơn vị rượu có thể quy đổi tương đương bằng 30 ml rượu mạnh (một chén nhỏ hay uống); 100 ml rượu vang (tương đương khoảng 1/2 cốc uống nước) hoặc 330 ml bia tươi (tương đương một lon bia)

Nếu phải uống rượu, bia, nên uống từ từ, chậm rãi. Trong khi uống, mọi người nên ăn uống đầy đủ để phòng rượu bia khiến đường trong máu giảm.

Người dân chỉ nên uống sau khi làm việc, khi nghỉ ngơi và không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống. Mọi người cũng nên biết giới hạn của mình và dừng đúng lúc.

Khi uống rượu, nếu người xung quanh gặp phải các dấu hiệu khó thở, rối loạn nhịp thở, da, niêm mạc nhợt nhạt, tím, rối loạn nhịp tim, miệng méo, nói khó, lơ mơ, hôn mê, gọi hỏi không trả lời đúng, co giật, động kinh, nôn mửa nhiều lần... cần phải đưa họ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ cũng khuyến cáo những ai đang dùng aspirin không nên uống rượu bia. Mọi người cũng không nên sử dụng đồng thời cả chất có cồn và caffeine.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-phan-biet-dot-quy-sau-khi-uong-ruou-va-nguoi-say-ruou-post1450850.html