Cách phòng bệnh khi đến 'mùa' viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản (VNNB) thường gia tăng trong những ngày hè nắng nóng, việc tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh cho trẻ nhỏ cần được cha mẹ quan tâm.

Giai đoạn cao điểm

Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6,7. Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

Phòng bệnh VNNB nhờ tiêm vắc xin chủ động

Phòng bệnh VNNB nhờ tiêm vắc xin chủ động

Nhận biết viêm não Nhật Bản

Bệnh VNNB thường khởi phát với các dấu hiêu sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Ở trẻ em có thể gặp đau bụng trong giai đoạn đầu của bệnh. Sau 3 hoặc 4 ngày trẻ có thể co giật, lơ mơ, hôn mê.

Khoảng 20-30% số trường hợp mắc bệnh VNNB có thể tiến triển nặng dẫn tới tử vong, ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong cao hơn. Sau mắc bệnh 30-50% các trường hợp có tổn thương não và thần kinh gây liệt và chậm phát triển trí tuệ.

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản

VNNB là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh chủ động, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1-5 tuổi cần đưa con đi tiêm đầy đủ và đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên.

Các bậc phụ huynh tại các vùng nguy cơ cao cần chủ động cho trẻ tham gia tiêm bổ sung vắc xin Viêm não Nhật Bản miễn phí cho trẻ 6-15 tuổi.

Ngoài ra, để phòng VNNB cũng như phòng tránh một số bệnh thường gặp trong mùa hè cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chính Văn (Theo tiemchungmorong.vn)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/cach-phong-benh-khi-den-mua-viem-nao-nhat-ban/209114.htm