Cách quan sát siêu trăng lớn nhất năm 2023 đúng rằm tháng 7

Lần trăng tròn này được gọi là siêu trăng (supermoon), vì trăng tròn vào đúng thời điểm nó ở rất gần cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó).

Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết, vào ngày 30/8, Mặt Trăng sẽ di chuyển vào vị trí đối diện Trái Đất so với Mặt Trời, và được chiếu sáng để tạo thành siêu trăng. Giai đoạn Mặt Trăng có kích thước lớn nhất diễn ra lúc 16 giờ 58 phút (theo giờ Việt Nam). Đây không phải là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát Mặt Trăng, do vẫn còn ánh sáng Mặt Trời. Những người yêu thiên văn vẫn có thể chiêm ngưỡng Mặt Trăng tròn sau vài giờ, nếu thời tiết thuận lợi.

Đây là siêu trăng thứ hai trong số tổng cộng 3 siêu trăng của năm 2023. Ở siêu trăng lần này, Mặt Trăng sẽ chạm đến điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó, cách chúng ta khoảng 363.711 km. Hình ảnh Mặt Trăng có thể trông to hơn và sáng hơn khoảng 7% so với Mặt Trăng tròn thông thường.

Siêu trăng tháng 8 rơi đúng vào rằm tháng 7 âm lịch.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, lần trăng tròn này được gọi là siêu trăng (supermoon), vì trăng tròn vào đúng thời điểm nó ở rất gần cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó). Siêu trăng thường lớn hơn kích thước của Trăng tròn thông thường khoảng 7% . Sự lớn hơn này là đủ để khiến nó sáng hơn không ít lắm, nếu như trời đủ trong và ít ô nhiễm. Còn nếu bạn ở một thành phố ô nhiễm ánh sáng nặng nề như một vài nơi ở Việt Nam, nó gần như vô nghĩa. Hiện tượng siêu Trăng không phải là hiếm vì nó diễn ra trung bình 3-4 lần/năm. Tuy nhiên, Trăng xanh lại ít phổ biến hơn, khi chỉ có 1 trong số 33 lần siêu Trăng đáp ứng đủ điều kiện.

Lý giải về siêu trăng tối nay được gọi là trăng xanh, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, điểm Trăng tròn ngay trước lần được nhắc tới ở đây là lúc 1h31 rạng sáng mùng 2 tháng 8 (2023), và như vậy tháng 8 này có 2 lần Trăng tròn. Việc này hoàn toàn dễ hiểu vì chu kỳ của tuần Trăng là 29,53 ngày, khiến một tháng Dương lịch vốn có 30 hoặc 31 ngày (trừ tháng 2) hoàn toàn có thể có 2 lần trăng tròn. Lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng này được một số người ở phương Tây (chính xác là những người nói tiếng Anh) gọi là "blue Moon" (Trăng xanh).

Điều thú vị khác là loại "trăng xanh" này được gọi là trăng xanh của tháng, và nó mới ra đời gần đây chỉ để cho ... nó bớt hiếm đi một chút. Ban đầu, người ta chỉ biết tới trăng xanh của mùa, là lần Trăng tròn thứ 3 trong số 4 lần Trăng tròn của 1 mùa. Ở Mỹ và hầu hết các nước châu Âu, 1 mùa được tính là khoảng thời gian giữa 2 ngày phân/chí liên tiếp, chẳng hạn từ xuân phân tới hạ chí được tính là mùa xuân, từ hạ chí tới thu phần được tính là mùa hè, ... Như vậy thông thường 1 mùa (dài 3 tháng) chỉ có 3 lần Trăng tròn. Nhưng cũng vì chu kỳ pha của Mặt Trăng thực tế chưa được 30 ngày, nên đôi khi sẽ có những mùa có tới 4 lần trăng tròn.

Điều rõ ràng có thể thấy ở đây là việc này hoàn toàn chẳng liên quan gì tới màu sắc của Mặt Trăng. Nó chỉ là một tên gọi mang ý nghĩa văn hóa. Ở rất nhiều nền văn hóa trên thế giới, người ta đặt tên cho những lần trăng tròn với đủ mọi cách gọi khác nhau, chẳng hạn như lần Trăng tròn hồi đầu tháng 8 năm 2023 này còn được gọi là "Trăng cá tầm" (Sturgeon Moon), vì tháng 8 hàng năm là thời kỳ có nhiều cá tầm nhất ở vùng hồ lớn Bắc Mỹ (chúng là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, thường dài hơn 2 mét, còn kỷ lục đã ghi nhận được là hơn 7 mét). Thực tế chẳng có con cá tầm nào xuất hiện ở Mặt Trăng vào đêm hôm đó.

Việc đó cũng như việc ở Việt Nam người ta gọi rằm tháng 8 là Trung Thu vậy. Vì thế, bạn có thể trông đợi một Mặt Trăng lớn hơn bình thường đôi chút và thưởng thức nó nếu có điều kiện, nhưng đừng trông đợi gì vào màu "xanh" như những lầm tưởng phổ biến.

"Điểm thú vị để quan sát là Mặt Trăng lần này lớn hơn và sáng hơn Trăng Tròn thông thường. Những người yêu thích thiên văn học có thể quan sát hiện tượng này từ bất cứ nơi nào, với điều kiện trời đủ trong để dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, việc trang bị một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ có bộ lọc sáng để giảm bớt độ chói của ánh Trăng sẽ mang lại cái nhìn thú vị hơn khi quan sát hiện tượng này," ông Đặng Vũ Tuấn Sơn chia sẻ

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-quan-sat-sieu-trang-lon-nhat-nam-2023-dung-ram-thang-7-169230830090917663.htm