Cách thức truy nã mô phỏng một trò chơi giúp cảnh sát bắt được triệu phú sát nhân

Cuộc truy nã tội phạm này trên khắp nước Mỹ được tiến hành, nhưng suốt trong 4 năm từ đó không đưa lại kết quả nào.

Peter Chadwick (55 tuổi) là triệu phú và đồng thời cũng là một trong những tội phạm bị truy nã đặc biệt ở Mỹ. Tội của người này là đã sát hại vợ và bỏ trốn. Cảnh sát Mỹ tốn rất nhiều công sức để truy nã anh ta nhưng không thành công.

Peter Chadwick khi bị bắt giữ.

Cho tới khi cảnh sát phải dựng lại toàn bộ vụ việc bằng tiếng nói và hình ảnh, đưa lên mọi phương tiện truyền thông công khai và đặc biệt là sử dụng những chương trình truyền thanh và truyền hình thể hiện lại những vụ án chưa được điều tra ra để nhờ cậy công chúng cung cấp thông tin giúp cảnh sát xác định được đúng hướng điều tra.

Cách thức tiến hành cuộc truy nã của cảnh sát Mỹ y hệt như trong trò chơi Scotland Yard. Trò chơi này được tung ra lần đầu tiên năm 1983 cho nhiều người cùng chơi. Trong trò chơi này, người chơi đóng vai cảnh sát hợp tác với nhau đấu với một người điều khiển một tên tội phạm trên sân chơi là bản đồ của Thủ đô London nước Anh. Scotland Yard là tên gọi của Cảnh sát Anh.

Peter Chadwick là một trong 15 tội phạm bị truy nã đặc biệt ở Mỹ. Người này bị cáo buộc là đã sát hại vợ rồi giấu xác trong thùng rác bên cạnh một trạm xăng ở thành phố San Diego năm 2012. Cảnh sát cho rằng hai vợ chồng họ cãi cọ nhau và Chadwick đã bóp cổ người vợ đến chết.

Hai người giằng co nhau nên cả hai đều bị sây sát, trong nhà có vết máu. Sau đó Chadwick chạy đến biên giới giữa Mỹ và Mexico, gọi điện cho cảnh sát hoang báo là hai vợ chồng bị băng đảng tội phạm bắt cóc, người vợ bị sát hại và anh ta may mắn trốn thoát được.

Cảnh sát không tin anh ta nhưng cũng không có cách nào khiến anh ta tự thú tội. Chadwick nộp 1 triệu USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi cảnh sát tiếp tục điều tra. Năm 2015, khi không thấy người này đến dự phiên tòa xét xử dù đã được triệu tập, cảnh sát tìm đến nhà Chadwick và thu được rất nhiều bằng chứng cho thấy anh ta đã chuẩn bị chạy trốn rất kỹ càng và chu toàn.

Cuộc truy nã tội phạm này trên khắp nước Mỹ được tiến hành, nhưng suốt trong 4 năm từ đó không đưa lại kết quả nào. Đầu năm nay, cảnh sát Mỹ sử dụng đúng cách thức như trong cuộc chơi cờ Scotland Yard kia với hy vọng được công chúng cung cấp thông tin tìm ra manh mối tên tội phạm.

Cảnh sát sử dụng gần như tất cả các kênh cung cấp thông tin và thu thập thông tin có được để biến thính giả, độc giả và khán giả trở thành người chơi trong cuộc chơi, đặc biệt là hai chương trình “Countdown to Capture” và “48 Hours” vốn có lượng người nghe và người xem lên tới nhiều triệu ở Mỹ. Cảnh sát nhận được rất nhiều thông tin nhưng đều không giúp tìm ra được Chadwick.

Mãi cho tới tháng 5 vừa rồi, không phải từ Mỹ mà là từ Mexico có được nguồn tin giá trị nhất giúp cảnh sát Mỹ tóm được Chadwick. Người này sau khi bị buộc phải nộp hộ chiếu Mỹ và Anh nên đành phải sử dụng hộ chiếu giả, đem theo rất nhiều tiền mặt bỏ trốn sang Mexico.

Nhưng người này không cư trú lâu dài ở Mexico mà luôn dùng hộ chiếu giả để thoắt ẩn thoắt hiện trên khắp thế giới, thậm chí ở một số nơi còn giả vờ đi làm kiếm tiền để che giấu tông tích. Nhưng đúng là lưới trời lồng lộng thật. Kẻ phạm trọng tội cuối cùng bị sa lưới bởi tác dụng của một trò chơi cờ vốn không mới mẻ gì.

Thảo Nguyên

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cach-thuc-truy-na-mo-phong-mot-tro-choi-giup-canh-sat-bat-duoc-trieu-phu-sat-nhan-d104522.html