Cách thức Ukraine tích hợp tên lửa hiện đại của Mỹ vào chiến đấu cơ thời Liên Xô

Người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu ngày 19/9 cho biết, các nhà thầu quốc phòng chỉ mất vài tháng để hỗ trợ Không quân Ukraine trang bị cho máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô của họ tên lửa HARM.

Vào cuối tháng 8 vừa qua, Không quân Ukraine lần đầu công bố hình ảnh tiêm kích MiG-29 khai hỏa tên lửa diệt radar AGM-88 HARM kể từ khi được Mỹ viện trợ loại vũ khí này. Trong đoạn video, một bộ chuyển đổi đặc biệt dường như đã được gắn vào máy bay để nó có thể kết hợp với tên lửa diệt radar của Mỹ.

AGM-88 HARM là mẫu tên lửa chuyên tìm diệt radar phòng không của đối phương. Ảnh: Flickr

Ukraine Weapons Tracker - trang tin theo dõi tình hình xung đột Nga - Ukraine, cho biết, không quân Ukraine đang sử dụng các tên lửa AGM-88 phóng từ bệ phóng LAU-118/A dành riêng cho chúng. Bệ phóng này được gắn vào một hệ thống chuyển đổi để có thể tích hợp với MiG-29.

Bệ phóng tên lửa LAU-118/A giúp tạo ra sự tương thích về giao diện cơ và điện giữa AGM-88 với máy bay phóng, thường là chiến đấu cơ F-16 và F/A-18 của Mỹ. Thông qua giao diện này, HARM có thể tiếp nhận thông tin từ bộ thu cảnh báo radar (RWR) và máy tính trên máy bay.

Vẫn chưa rõ cách thức chính xác bệ phóng tên lửa LAU-118/A được tích hợp với các hệ thống của MiG-29. Tờ Calcalist của Israel cho rằng, tên lửa có lẽ không được cung cấp năng lượng từ máy bay, mà từ hệ thống pin bên ngoài gắn vào thân máy bay.

Về việc phóng tên lửa, tác giả của một bài báo trên tờ Calcalist giải thích, thay vì kết nối bệ phóng với máy tính của MiG-29, sẽ có một sợi cáp kéo dài từ bệ phóng đến buồng lái kết nối với cảm biến của radar và nút khởi động. Cảm biến này có thể hoạt động 24/7 vì nó tiếp nhận nguồn điện từ pin gắn bên ngoài, giúp tránh được các vấn đề liên quan đến thiết bị điện tử lỗi thời của MiG-29. Tuy nhiên bài báo lưu ý, cách bố trí như vậy sẽ làm giảm phạm vi phóng của HARM. Trong khi đó, khi được tích hợp với máy bay chiến đấu của Mỹ, tên lửa sẽ có tầm phóng lên tới 150km.

Theo tác giả bài báo, sau khi phi công nhận được tín hiệu từ cảm biến, trong trường hợp phát hiện ra bức xạ radar của đối phương, phi công sẽ nâng mũi máy bay lên 20 đến 30 độ để bắn tên lửa theo quỹ đạo vòng cung nhằm mở rộng phạm vi phóng của nó. Bài báo cho biết, các chuyên gia từ Tập đoàn vũ khí Raytheon của Mỹ - nhà sản xuất tên lửa AGM-88 đã hỗ trợ công việc tích hợp tên lửa này với máy bay chiến đấu của Ukraine.

Hồi tháng 8 vừa qua, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Người Ukraine đã thực sự tích hợp thành công tên lửa HARM với chiến đấu cơ MiG-29. Đây là điều mà chúng tôi xác định là khả thi về mặt kỹ thuật và dựa trên đánh giá đó chúng tôi đã cung cấp cho họ khả năng này”.

Trong một tuyên bố mới nhất, người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu ngày 19/9 nêu rõ, các nhà thầu quốc phòng chỉ mất vài tháng để hỗ trợ Không quân Ukraine trang bị cho máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 từ thời Liên Xô tên lửa HARM. “Công việc đó rất khó khăn nhưng chúng tôi có một số nhà thầu thông minh có thể biến điều này thành hiện thực (lắp tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM trên máy bay cũ thời Liên Xô), Tướng James Hecker - Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu cho biết.

HARM là vũ khí mạnh mẽ nhưng không phải là vũ khí mới. Loại tên lửa này được triển khai lần đầu năm 1983, dài 4,3 m, nặng hơn 360 kg, có tầm bắn 48 km, và vận tốc đối đa Mach 2 (2.450 km/giờ). HARM tìm kiếm trực tiếp và phá hủy radar phòng thủ của đối phương.

Trên chiến trường Nga có thể ngăn cản Ukraine sử dụng tên lửa HARM bằng cách tắt các radar của mình. Nhưng điều đó cũng có thể có lợi cho Ukraine, ông Hecker lưu ý. “Mặc dù bạn không phát hiện được tín hiệu radar nhưng bạn có thể giành ưu thế trên không trong một khoảng thời gian để làm những gì bạn muốn”.

Bài báo trên tờ Calcalist cho biết, mục tiêu chính của các phi công Ukraine khi sử dụng HARM là tìm diệt radar đối kháng 1L260 Zoopark-1 M chứ không phải radar phòng không. Và do phạm vi phóng của tên lửa bị giảm khi phóng từ MiG-29 nên phi công phải lái máy bay vào sâu trong tầm hoạt động của hệ thống phòng không của đối phương trước khi phóng tên lửa. Điều này sẽ khiến họ gặp rất nhiều rủi ro.

Ngoài ra, chiến thuật nâng mũi máy bay của Ukraine có thể sẽ không hiệu quả ở khu vực miền Đông – do đây là nơi có địa hình trải rộng và bằng phẳng, không có các ngọn đồi, thung lũng hoặc rặng núi để giúp MiG-29 ẩn nấp và tránh radar phòng không của Nga khi thực hiện thao tác này. Những thách thức đó khiến các phi công khó có thể phóng tên lửa chống radar vì dễ bị hệ thống phòng không của đối phương phát hiện và nhắm bắn. Tác giả bài báo cũng nhấn mạnh rằng, Nga có rất nhiều hệ thống phòng không lợi hại. Ngay cả các hệ thống phòng không cơ bản như S-300 của Nga cũng khiến Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rất lo ngại./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/cach-thuc-ukraine-tich-hop-ten-lua-hien-dai-cua-my-vao-chien-dau-co-thoi-lien-xo-post957039.vov