Cách tiếp cận của Australia với Thái Bình Dương

Trang mạng của Viện nghiên cứu Lowy, Australia mới đây đăng bài viết của Carlisle Richardson, chuyên gia về quan hệ quốc tế và là thành viên Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) của Australia.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: AFP/TTXVN

Bài viết nhấn mạnh rằng việc Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố thành lập Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng với số vốn lên đến hàng tỷ USD dành cho Thái Bình Dương đã khiến nhiều nhà quan sát coi sự xoay trục sang Nam Thái Bình Dương này của Canberra là nhằm kiềm chế sự hiện diện đang ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
Sự tập trung chú ý của Australia dành cho các nước láng giềng Thái Bình Dương có phải là một phần của chiến lược dài hạn, một trong những điểm được ghi tại Sách trắng Chính sách Đối ngoại 2017, hay đơn giản chỉ là một phản ứng tức thời?

Nếu động cơ thực sự của Australia chỉ là để đối phó và làm giảm sự hiện diện của Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra khi mối đe dọa đó hạ nhiệt? Liệu có sự lặp lại thái độ thờ ơ đối với Thái Bình Dương như những gì Australia đã thể hiện trong thời gian vừa qua?
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi họp với lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương về sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Cuộc gặp này chứng minh vị trí của Australia, vốn là đối tác chính của các quốc đảo Nam Thái Bình Dương, đã bị đe dọa bởi tham vọng trở thành người chơi thống trị của Trung Quốc tại khu vực - một hướng phát triển không phục vụ lợi ích chiến lược của Australia và đẩy mối quan hệ lâu dài giữa Australia và các quốc đảo láng giềng ở Thái Bình Dương tới trước ngã ba đường.
Trên thực tế, Australia tương tác với các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua 3 tiêu chuẩn chính gồm: một khu vực nhận tài trợ năng động, một vùng đệm an ninh và một đối tác khu vực. Với vai trò của nhà tài trợ, Australia vẫn tiếp tục là nước viện trợ song phương lớn nhất cho các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, động cơ của việc cung cấp nguồn vốn viện trợ có thể thay đổi giữa từ thiện thành tác động gây ảnh hưởng và xuất khẩu “lối sống” của người Australia. Ngoại giao kinh tế hiếm khi là một hành động vị tha, thay vào đó nó là hiện thân của quan điểm “ai trả tiền, người đó điều khiển cuộc đối thoại”.

Đó là lợi ích chiến lược của hành động cung cấp viện trợ. Nhưng thách thức là làm thế nào để giữ cho người nhận viện trợ cảm thấy hạnh phúc và không tạo ra sự phẫn nộ.
Mục tiêu đem lại một loại "quyền lực mềm" bằng cách xuất khẩu lối sống của Australia đã tạo ra sự oán giận của người dân bản địa, vốn có lịch sử lâu đời và một nền văn hóa giàu bản sắc. Rõ ràng nỗ lực tạo ảnh hưởng thay đổi văn hóa thông qua viện trợ ít khi đạt hiệu quả. Một tình huống bổ sung cần xem xét đó là yếu tố ngoại giao ngân phiếu.

Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia cạnh tranh nào khác có lợi ích tại khu vực có thể dễ dàng tăng đầu tư hoặc lấp đầy phần thiếu hụt nếu gói viện trợ bị giảm đi. Đối với Australia sau đó, mối quan hệ nước viện trợ và nước nhận viện trợ có thể sẽ không còn là lựa chọn khả thi nhất để giữ quan hệ bền vững cùng các quốc đảo Thái Bình Dương trong tương lai.
Trong vai trò là nhà bảo trợ an ninh, ý định đằng sau thỏa thuận gần đây của Australia cùng với Papua New Guinea (PNG) xây dựng một căn cứ hải quân đóng tại đảo Manus có thể được xem là một hoạt động nhằm tăng cường lợi ích an ninh của Australia, không nhất thiết là lợi ích của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Dự định tham gia của Mỹ càng củng cố các biện pháp an ninh này nhằm trực tiếp vào Trung Quốc. Đối với người dân của nhiều quốc đảo Thái Bình Dương, vấn đề an ninh của họ liên quan tới khí hậu.

Vì vậy, rất có thể họ mong muốn có một chiến lược cụ thể giải quyết các tác động an ninh của biến đổi khí hậu - giống như những gì họ tìm kiếm tại Hội đồng bảo an LHQ năm 2011 và năm 2018 - hơn là một căn cứ hải quân. Do trọng tâm chính của các nước này không được giải quyết, họ sẽ không được hưởng cam kết như là một lá chắn bảo vệ Thái Bình Dương, bất chấp đây mới là lợi ích của họ.
Australia có mối liên hệ thường xuyên hơn với các quốc đảo Thái Bình Dương, trong vai trò một đối tác khu vực, thông qua các hội nghị như Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương và Cộng đồng Thái Bình Dương.

Các tổ chức này được thiết kế nhằm mang lại sự gắn kết chặt chẽ hơn, với các ưu tiên dành cho các quốc gia thành viên. Nhưng câu hỏi về bản chất của mối quan hệ và những lợi ích mà nó phục vụ vẫn còn đó. Liệu với vai trò là một trong những nhà cung cấp tài chính chủ yếu của các tổ chức và diễn đàn khu vực đó, Australia có thể định đoạt hầu hết các ưu tiên cần chia sẻ và cái giá phải trả là gì?
Trong vài năm gần đây, Diễn đàn phát triển quốc đảo Thái Bình Dương - với khẩu hiệu là “ Một Thái Bình Dương khác biệt” - và một nhóm Thái Bình Dương SIDS tại LHQ, được thành lập ở thành phố New York, đã nổi lên như một lựa chọn thay thế cho Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương.

Các diễn đàn này đều loại Australia ra khỏi danh sách thành viên khi đưa ra những tín hiệu để cộng đồng quốc tế thấy được sự khác biệt giữa Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương về ưu tiên khu vực và toàn cầu, đồng thời tạo ra cơ hội để các quốc gia bên ngoài tìm kiếm phương thức tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực: Cơ hội mà Australia giờ đây đã tự nhận thấy cần phải tranh đấu.
Việc Australia chuyển trọng tâm tới các quốc đảo Thái Bình Dương có lẽ là kết quả từ sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng cách trong mối quan hệ giữa nước này và các quốc đảo láng giềng Thái Bình Dương rõ ràng vẫn tồn tại.

Mối quan hệ giữa hai bên sẽ cần phải được cấu hình lại hoàn toàn, hướng tới mục tiêu đối tác thực sự và giảm dần các thỏa thuận mang nặng dấu ấn nhà tài trợ và người nhận tài trợ, hoặc thay đổi các biện pháp phản ứng đối với các vấn đề tập trung nhiều hơn vào lợi ích của Australia.

Cuối cùng, cách tiếp cận “đối tác dài hạn” chính là phương án có tiềm năng lớn hơn trong việc tạo ra các thỏa thuận an ninh Thái Bình Dương và là lựa chọn tốt nhất để chống lại bất kỳ thực thể "phi khu vực" nào có khả năng gây ảnh hưởng trong khu vực./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cach-tiep-can-cua-australia-voi-thai-binh-duong-/104313.html