Cách tiếp cận mới về khái niệm sử thi

Cuốn sách nghiên cứu phê bình Văn học và chiến tranh (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2019) của tác giả PGS, TS Nguyễn Thanh Tú có 15 tiểu luận tập trung nghiên cứu tính chất sử thi của 3 thể loại chính là thơ, trường ca, tiểu thuyết. Đóng góp của tập sách chính là ở chỗ soi khái niệm sử thi vào tác phẩm để phân tích, khái quát những đặc điểm chung của văn học sử thi Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21.

Chịu sự quy định của đặc trưng thể tài, tiểu thuyết sử thi nhạy cảm hơn cả với bước đi của lịch sử, với những sự kiện lịch sử. Sự đổi mới của tiểu thuyết hiện đại nói chung đi theo hai xu hướng: Hiện đại hóa và đổi mới từ truyền thống. Rõ nhất ở hiện đại hóa là sự phân nhánh thành nhiều dòng. Đề tài được mở ra, các cách viết mới được thể hiện. Các dòng đời tư, thế sự, trữ tình… thấm dần rồi tuôn trào vào các ngóc ngách đời sống mà trước đây còn cấm đoán, kiêng kỵ. Về hình thức thì thật muôn vẻ: Dòng ý thức, đa thanh, trò chơi, kỳ ảo… Tiểu thuyết sử thi trung thành với hướng truyền thống, tác phẩm như là sự hợp lưu của nhiều dòng khác nên dòng sông sử thi chủ lưu không trong vắt như xưa mà nhiều màu sắc, đa dạng, đa thanh, cường tráng và cũng phức tạp.

Tác giả đã dựng lại bức tranh toàn cảnh về các khuynh hướng tìm tòi trong việc phản ánh, miêu tả của tiểu thuyết sử thi. Với quan niệm muốn hiểu bức tranh văn học ấy phải nắm bắt các nguyên tắc tìm tòi sáng tạo của nhà văn, từ đó qua hệ thống, phân tích anh tìm ra 4 khuynh hướng đổi mới cơ bản: Lịch sử-tái hiện; Lịch sử-hư cấu; Tự thuật-tự truyện; Văn hóa-tái hiện. Hướng nghiên cứu loại hình văn học này đang được ngành nghiên cứu văn học trên thế giới triển khai, ứng dụng nhiều. Cái mới đáng lưu ý của tập sách là nghiên cứu tác phẩm từ góc nhìn văn hóa. Cũng tương ứng và phù hợp với đối tượng nghiên cứu vì các cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc ta mang tính văn hóa rõ nét, tiêu biểu. Đó là những cuộc đấu tranh vì con người, vì đạo lý chính nghĩa, niềm tin và lẽ phải nên được nhân loại ủng hộ và ngợi ca.

Có vốn hiểu biết rộng và vận dụng tốt phương pháp nghiên cứu văn học so sánh, tác giả công phu khảo sát, đối chiếu tiểu thuyết của ta với các bộ tiểu thuyết nổi tiếng viết về chiến tranh ở nước ngoài, với mong muốn bạn đọc có thêm một cái nhìn, một sự đánh giá đúng đắn hơn về cái được và cái cần khắc phục ở văn học ta nói chung. Đây là cách làm khó nhưng có kết quả khả quan, mới mẻ, rất nên được khuyến khích.

Với quan điểm khoa học, điềm tĩnh, thấu đáo, tác giả đưa ra một cái nhìn tổng quan về tiểu thuyết sử thi và trường ca đổi mới trên tinh thần lấy truyền thống làm nền tảng để tiếp thu những hướng viết hiện đại. Nhờ vậy, văn học sử thi của ta giàu bản sắc Việt ở lòng yêu nước, trọng tình, quý người; ở một hình thức giản dị nhưng sâu lắng. Hạn chế rõ nhất là nhiều nhà tiểu thuyết còn vụng trong việc phân tích tâm lý nhân vật. Tính cách nhân vật còn khuôn mẫu, khô cứng, chưa thích ứng với những không gian biến hóa khôn lường của chiến tranh, vì thế có những quyển, những trang văn còn nhạt, sượng, đơn giản.

Trong tập có những trang viết nhẹ nhàng mà sâu lắng khẳng định thơ tình yêu thời chống Mỹ sẽ sống mãi cùng lịch sử vì giá trị tự thân và cả với tư cách chứng nhân lịch sử. Hành trang tinh thần một thời đuổi giặc của người lính là những dòng thơ và tình yêu mộng mơ ban đầu. Trong vắt, nguyên sơ và thánh thiện. Tâm hồn, tình yêu người lính là vậy. Đấy là một nguyên nhân góp phần tạo ra sức mạnh để làm nên chiến thắng.

Tác giả khẳng định có sức thuyết phục hai cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc ta đã góp phần khẳng định một giá trị văn hóa vĩnh hằng trong lịch sử tư tưởng nhân loại: Đó là lòng yêu nước của những con người chính nghĩa sẽ làm nên sức mạnh thời đại. Mỗi giai đoạn lịch sử hào hùng đều có những tượng đài lịch sử tương ứng được điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ trường ca vang vọng âm hưởng sử thi, lóng lánh sắc màu của cuộc sống một thời đuổi giặc. Ở ngày hôm nay có một tượng đài được tạc vào lịch sử bằng ngôn ngữ biểu hiện mới: Tượng đài người lính.

Tập sách chứng minh trường ca của ta luôn đi theo hình thức đối thoại nên giàu âm hưởng và sự sống động đa chiều, góp phần tạo nên sự đa âm, nhiều bè giọng, nhiều sắc thái, mang tính tổng hợp, dung hợp thể loại rất cao: Lịch sử, đời tư, tự truyện, ký sự, phóng sự... Thế giới trường ca đã làm nên một bản hòa âm của anh hùng ca, tráng ca, tình ca, hoan ca và cả bi ca. Muốn nghe âm vang của một thời hoa lửa thì tìm trong trường ca là đầy đủ nhất, trung thực nhất.

TÂN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/cach-tiep-can-moi-ve-khai-niem-su-thi-604529