Cách tính ngày đi đường trong thời gian nghỉ phép

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 111 Bộ luật Lao động, khi nghỉ hàng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Ông Trịnh Kim (tỉnh Ninh Thuận) quê ở tỉnh Hà Tĩnh, công tác từ năm 2010 tại Vũng Tàu. Ông về thăm quê bằng phương tiện ô tô, cơ quan tính ngày đi đường là 1 ngày. Ông Kim hỏi, đơn vị tính ngày đi đường như vậy có đúng không? Nghỉ phép năm đúng dịp Tết Nguyên đán có được thanh toán tiền lương ngày nghỉ phép năm và tiền lương ngày nghỉ Tết không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 111 Bộ luật Lao động, khi nghỉ hàng năm (thường gọi là nghỉ phép năm), nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm và chỉ được tính cho 1 lần nghỉ trong năm.

Như vậy, khi người đi nghỉ phép năm có thời gian đi đường cả đi và về từ 2 ngày trở xuống thì số ngày đi đường đó nằm trong số ngày nghỉ phép theo quy định, không được tính thêm thời gian đi đường.

Nếu đi nghỉ phép năm bằng phương tiện ô tô, tàu thủy, tàu hỏa mà số ngày cả đi và về trên 2 ngày thì từ ngày thứ 3 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hàng năm.

Cụ thể, trường hợp ông Trịnh Kim làm việc tại tỉnh Ninh Thuận nghỉ phép năm thăm quê ở tỉnh Hà Tĩnh, phương tiện chiều đi và chiều về bằng ô tô. Để đi qua 1.018 km đường bộ từ Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận đến Hà Tĩnh, ô tô chở khách phải chạy trên đường hết khoảng 22 giờ, tính cả thời gian dừng nghỉ dọc đường thì đến Hà Tĩnh hết khoảng 26 giờ. Tương tự, chiều ngược lại từ Hà Tĩnh đi Phan Rang – Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận ô tô chở khách chạy trên đường hết khoảng 22 giờ, tính cả thời gian dừng nghỉ dọc đường thì đến Ninh Thuận cũng hết khoảng 26 giờ.

Như vậy, tính thời gian đi đường cả 2 chiều đi và trả phép bằng ô tô từ Ninh Thuận đến Hà Tĩnh và ngược lại phải hết 52 giờ. Do tổng số ngày đi đường cả đi và về trên 2 ngày (trên 48 giờ), nên ngày thứ 3 được tính là thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ phép, tức là được cộng thêm vào số ngày nghỉ phép 1 ngày đi đường .Đơn vị đã giải quyết trường hợp ông Trịnh Kim được cộng 1 ngày đi đường là đúng quy định.

Trường hợp ông Kim nghỉ phép trùng với ngày nghỉ Tết âm lịch (Tết nguyên đán), thì cùng với việc được hưởng nguyên lương những ngày nghỉ phép theo quy định tại Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động, còn được hưởng nguyên lương 5 ngày nghỉ Tết âm lịch theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 115 của Bộ luật này.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/cach-tinh-ngay-di-duong-trong-thoi-gian-nghi-phep/381644.vgp