Cách trả lời giúp trẻ tự tin khi nói: 'Mẹ ơi con tè dầm rồi'

Hầu hết trẻ em đều tè dầm. Hãy hỗ trợ bé để những tình huống xấu hổ này không làm sụt giảm sự tự tin của con.

Ngay cả khi cả ngày con đều đi tè đúng chỗ thì cũng không tránh khỏi đôi lúc con làm ướt đồ lót của mình. Tình trạng tè dầm ban ngày ảnh hưởng đến khoảng 1/7 trẻ em từ 4 tuổi trở lên nhưng giảm xuống còn 1/75 ở trẻ trên 5 tuổi. Tình trạng này có thể chỉ xảy ra ban ngày hoặc song song với giai đoạn bé tè dầm ban đêm.

Trong cuốn sách What's my child thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể:

"Mẹ ơi con tè dầm rồi"

Trẻ em cần đi tiểu từ 4 đến 7 lần một ngày. Nếu trước đó con bạn đã tập đi vệ sinh thành công, có thể có một lý do liên quan đến sức khỏe nào đó dẫn đến chuyện không may này, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu nghĩa là con đi tiểu với số lượng ít hơn nhưng thường xuyên hơn.

Bạn có thể nghĩ: "Mình nghĩ đến giờ thì con sẽ không thể tè dầm nữa chứ. Những đứa trẻ khác sẽ chế giễu con mất". Bạn có thể khó chịu vì bé không căn thời gian để đi vệ sinh đúng lúc và bạn cũng có thể tự hỏi liệu có nên cho bé mặc bỉm hay tã nữa không. Tuy nhiên nếu bạn làm con cảm thấy mình giống em bé hoặc xấu hổ hơn thì có thể khiến vấn đề thêm trầm trọng.

Thực ra bé nghĩ: "Có quá nhiều việc phải làm mình chỉ quên mất phải đi tè thôi mà". Trẻ em có thể sợ phải vào nhà vệ sinh, một số bé nghĩ rằng nhà vệ sinh có mùi hoặc lo lắng về việc bị nhốt bên trong, trong khi những trẻ khác quá ngại khi đi tè mà có người khác xung quanh. Nhưng có lẽ do bé bận quá nên không kịp tới nhà vệ sinh thôi.

Bố mẹ nên phản ứng như thế nào

Ngay lúc đó:

1. Tìm hiểu vấn đề: cố gắng tìm hiểu kỹ nguyên nhân tại sao hôm nay quần lót của bé lại ướt. Có thể chơi trò nhập vai và diễn tả lại hành động một ngày của bé để tìm ra lý do. Nếu có điều gì đó khiến con cảm thấy căng thẳng con cũng sẽ khó quản lý các chức năng cơ thể của mình.

2. Đừng nói từ "tè dầm", sử dụng thuật ngữ "không khô" thay vì "tè dầm" vì từ này có thể khiến bé cảm thấy xấu hổ.

Về lâu dài:

1. Thưởng cho những ngày khô ráo: thiết lập một bảng phần thưởng ngôi sao về những phần thưởng nhỏ dành cho thành tích đi vệ sinh đúng giờ và giữ cho quần lót khô đến cuối ngày.

2. Giúp bé chậm lại: hãy để bé dành thời gian đi tè cho hết, điều này sẽ giúp nhóm cơ giống như vòi nước ở đáy bằng quang mở hoàn toàn để làm rỗng triệt để bàng quang của bé.

3. Cho trẻ uống nhiều nước hơn: Thay vì bắt trẻ uống ít nước hơn hãy cho trẻ uống từ 6 đến 8 cốc nước lọc một ngày để bàng quang của trẻ được làm đầy đúng cách và gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn rằng nó cần được làm trống.

Giữ khô ráo cả đêm là giai đoạn cuối cùng của hành trình bỏ bỉm cho bé. Để đạt được thành quả này, cần phối hợp nhiều kiểu phát triển khác nhau, vì vậy trẻ em tới cộc mốc này ở các độ tuổi khác nhau. Hãy tin tưởng rằng con sẽ không còn tè dầm vào cả ban ngày lẫn ban đêm nữa, duy trì sự tự tin của bé cho đến khi tập được.

Việc mẹ bếu riếu hay tỏ ra khó chịu có thể làm bé cảm thấy giá trị bản thân bị giảm đi. Trẻ cảm thấy mình thật xấu hổ vì sự khó chịu đã gây ra cho bố mẹ. Bạn cần đảm bảo với bé là bé sẽ vượt qua giai đoạn này. Lo lắng cũng có thể là nguyên nhân khiến bé tè dầm vào lần sau.

Thảo Hương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cach-tra-loi-giup-tre-tu-tin-khi-noi-me-oi-con-te-dam-roi-20230517094657841.htm