Cách trị bệnh từ cát cánh

Cát cánh dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách là rễ khô của cây cát cánh, thuộc họ hoa chuông. Có tác dụng khử đàm lợi yết, khai thông phế khí.Một số lưu ý khi sử dụng cát cánh

Cát cánh còn có tên khác là bạch dược, kết cánh, cánh thảo, là rễ phơi khô của cây cát cánh (Platycodon grandiforum A. DC.), thuộc họ hoa chuông (Campanunaceae). Cát cánh vị đắng cay, tính hơi ôn; vào kinh phế. Có tác dụng tuyên phế, khứ đàm, lợi yết, bài nùng, khai thông phế khí. Chữa chứng ho nhiều đờm, họng đau nói khàn, áp-xe phổi, viêm họng sưng đau, lỵ, tiểu tiện không lợi.

Nhận diện cát cánh

Cát cánh là loại cây cỏ sống lâu năm, có chiều cao khoảng 50 – 90cm. Cây có lá mọc đối hay vòng 3. Các lá gần cụm hoa thường mọc so le và có mép khía răng. Hoa mọc thành từng bông thưa ở đầu cành hoặc mọc riêng lẻ, có màu trắng hay lam tím. Quả có nhiều hạt nhỏ, màu nâu đen. Rễ phình to thành củ.

Loại cây này rất thích hợp những nơi có khí hậu ôn hòa, khá ẩm ướt và nơi có nhiều ánh sáng. Cây cát cánh là loài duy nhất trong chi Platycodon và được tìm thấy ở khu vực đông bắc Châu Á bao gồm các nước như Nhật bản, Trung Quốc (An huy, Sơn Đông và Giang Tô), Triều Tiên và Đông Siberi. Cây trồng bằng hạt đang được di thực vào nước ta tại nhiều vùng đồng bằng.

Cát cánh thường hái lá vào mùa xuân và lấy rễ cây vào giữa tháng 2 – 8. Là rễ, củ phơi khô. Rễ củ (sau khi đã cắt bỏ thân lá, rễ con) rửa sạch đất cát, ngâm vào nước rồi lấy ra dùng dao cạo bỏ lớp vỏ ngoài, mang phơi hay sấy khô. Có thể xông lưu huỳnh. Thông thường dân gian xưa hay dùng sống nhưng có thể tẩm mật rồi sao qua. Nếu dùng làm hoàn tán thì thái lát, sao qua rồi tán bột mịn. Cần bảo quản nơi khô ráo, tránh mốc mọt để không làm ảnh hưởng tới chất lượng của thuốc.

Thành phần chủ yếu của cát cánh: Polygalain acid, platycodigenin, alpha-spinasterol, a -spinasteryl-b -D-glucoside, stigmasterol, betulin, platycodonin, platycogenic acid, A,B,C glucose.

Trong y học hiện đại, các nghiên cứu đã chứng minh được rằng các saponin của Cây cát cánh có tác dụng tiêu đờm, phá huyết làm tan máu. Rễ cây cát cánh có tác dụng như giảm đau, làm trấn tĩnh, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm. Đồng thời, nó có tác dụng làm dãn các mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống loét và chống viêm. Loại thảo dược này cũng kích thích gan mật gây tăng tiết mật giúp tiêu hóa tốt, giúp hạ lipid huyết, hạ đường huyết và hạ cholesterol trong máu.

Theo Đông y, cát cánh vị đắng cay, tính hơi ôn; vào kinh phế. Tác dụng trừ đờm, chữa ho; ngoài ra còn có tác dụng lưu thông phổi (tuyên phế), tống mủ; trị cam răng, miệng hôi…

Theo một số sách y cổ có ghi lại, cát cánh giúp “lợi ngũ tạng trường vị, bổ khí huyết, trừ hàn nhiệt, phong tý, ôn trung tiêu cốc, liệu hầu yết thống, hạ cổ độc (trừ độc của sâu)”; ” trị hạ lî, phá huyết, khử tích khí, tiêu tích tụ, đàm diên, chủ phế khí, khí thúc thấu nghịch, trừ phúc trung lãnh thống, chủ trúng ác (nhiễm độc) và trị trẻ em động kinh”; “Cát cánh chi dụng, duy kỳ thượng nhập phế kinh, phế vị chủ khí chi tạng, cố năng sử chư khí hạ giáng.”

Một số bài thuốc chữa bệnh có vị cát cánh

Trừ đờm, chữa ho: Chữa ho do nóng, đờm dính quánh, cây cát cánh 8g, tỳ bà diệp (lá nhót tây) 12g, lá dâu 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Mỗi ngày uống 1 thang, uống liền 2 – 4 ngày. Chữa ho do lạnh, đờm loãng, lấy cát cánh 8g, hạnh nhân 12g, tía tô 12g, bạc hà 4g. Sắc uống. Uống liền trong 2 – 4 ngày. Chữa ho suyễn nhiều đờm, cát cánh 6g, trần bì 6g, bán hạ chế 6g, mạch môn sao 6g, ngưu tất 6g, ngũ vị tử 6g, tiền hồ 6g, ma hoàng 6g. Sắc uống. Bài 4: Thang cát cánh: cát cánh 8g, cam thảo 4g. Sắc uống hoặc tán thành bột uống. Chữa họng sưng đau. Ở liều cao hơn gấp 3 – 5 lần dùng chữa phế ung (áp-xe phổi). Chữa viêm amidan bằng cách, cát cánh 8g, kim ngân hoa 12g, liên kiều 12g, cam thảo sống 4g. Sắc uống.

Hỗ trợ chữa viêm phổi, đau tức ngực, ho thổ ra đờm: Lấy cát cánh 4g, cam thảo sống 4g, rau diếp cá 8g, bối mẫu 8g, nhân ý dĩ 20g, nhân hạt bí trắng 24g, rễ cỏ tranh 63g, dây kim ngân 12g. Sắc uống. Trị đau tức ngực do chấn thương lâu ngày, cát cánh 10g, trần bì 10g, hương phụ 10g, đương quy 15g, mộc hương 5g. Sắc uống..

Chữa cam răng, miệng hôi: cát cánh, hồi hương liều lượng bằng nhau, tán bột, chấm bột vào nơi răng bị cam đã rửa sạch.

Trị lợi loét và chân răng đau nhức: Dùng bột cát cánh trộn với nhục táo, vo thành viên (viên to bằng hạt bồ kết). Lấy bông bọc viên thuốc lại rồi ngậm thêm với nước kinh giới đến khi khỏi.

Trị răng sâu: Đem tán bột cát cánh và ý dĩ nhân, uống trực tiếp.

Trị mắt đau do can phong thịnh: Dùng hắc khiên ngưu đầu nhỏ 120g với cát cánh 1 thăng, đem tán thành bột mịn, vo thành viên (viên to bằng hạt ngô đồng). Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 40 viên uống cùng nước nóng.

Trị chảy máu mũi: Mỗi lần dùng 1 thìa cát cánh tán bột, ngày dùng 4 lần.

Bài thuốc trị trẻ nhỏ khóc đêm: Dùng cát cánh đốt rồi tán bột. Mỗi lần dùng 12g uống với nước cơm, có thể thêm 1 ít xạ

Mặc dù có công dụng trị bệnh nhưng một số đối tượng sau không nên dùng cát cánh trị bệnh, tránh tình trạng bệnh không khỏi mà ngày càng trầm trọng hơn. Người bị âm hư ho lâu ngày, ho ra máu… Các cánh có tác dụng điều trị một số bệnh lý liên quan đến phế. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Hồng Nhung

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cach-tri-benh-tu-cat-canh-77520