Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh đơn giản nhất mà nhiều mẹ hay quên dùng

Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh đơn giản và an toàn nhất đó là quan tâm đến giấc ngủ và làm sạch mũi thường xuyên cho con.

Trẻ sơ sinh bị sổ mũi thường có cảm giác khó chịu, quấy khóc, khiến ông bà bố mẹ đau đầu.

1. Vậy, điều gì dẫn đến việc bé bị sổ mũi?

- Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là loại vi rút thông thường gây ra cảm lạnh. Bé thường bị cảm lạnh trung bình 1 tháng 1 lần hoặc 10 - 12 lần/ năm (tần suất mắc bệnh mùa đông cao hơn mùa hè). Một đợt cảm lạnh thông thường sẽ kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày.

Cảm lạnh khiến trẻ dễ bị sổ mũi. Ảnh minh họa

- Dị ứng cũng có thể dẫn đến chảy nước mũi, tuy nhiên dịch nhày sẽ có màu trong thay vì màu xanh hoặc vàng như khi bé bị cảm cúm.

- Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi.

2. Khi nào cần đưa bé đến bác sĩ?

Nếu như bé khó chịu đến mức không ăn hay uống được hoặc có dấu hiệu mất nước (không làm ướt tã trong 6-7 giờ, bị hôn mê hoặc không có nước mắt) hoặc các triệu chứng cảm lạnh không chấm dứt trong khoảng 2 tuần, đó là lúc cần đưa bé đến gặp bác sĩ.

3. Cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh

Thật không may, thuốc chữa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh không phải là một ý hay. Thuốc sẽ không khiến virus bị tiêu diệt nhanh hơn mà thậm chí còn có một số tác dụng phụ gây hại.

Tuy nhiên có một vài cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh mẹ có thể tham khảo:

- Dùng nước muối sinh lý

Mẹ có thể dễ dàng mua nước muối sinh lý tại hiệu thuốc. Nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào mũi để làm lỏng chất nhầy, sau đó dùng xi lanh để lấy những chất nhầy đó ra.

Cách này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất với bé dưới 6 tháng, các bé lớn hơn có thể sẽ rất “không hợp tác” khi bạn sử dụng xi lanh. Tuy nhiên, bạn có thể bỏ qua phần đó vì nước muối sinh lý đã làm lỏng chất nhầy rồi, có thể để chất nhầy tự ra khỏi mũi bé một cách tự nhiên cũng không sao.

Dùng nước muối sinh lý để giảm sổ mũi cho trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa

- Loại bỏ các chất bẩn trong mũi bé

Đôi khi các chất nhầy đóng lại thành các vảy cứng xung quanh mũi bé. Để vệ sinh sạch sẽ , hãy dùng một miếng bông cotton cho vào nước ấm rồi lau nhẹ những vùng đó đến khi các mảng bám được lấy đi.

- Làm ẩm không khí

Đặt máy làm ẩm không khí, máy phun sương vào trong phòng ngủ của bé để tăng độ ấm trong không khí giúp con thở dễ dàng hơn.

'

Không khí ẩm giúp con dễ thở hơn. Ảnh minh họa

- Để đầu bé cao hơn khi ngủ

Cố gắng nâng cao đầu bé khi ngủ bằng việc sử dụng đệm cho trẻ em (crib wedge - có phần đầu được thiết kế cao hơn) hoặc nâng đầu bé khi ẵm bé. Không nên sử dụng gối trong nôi, đặc biệt là gối mềm vì có thể dẫn đến việc bé bị ngạt khi trở mình – một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đột tử ở trẻ sơ sinh .

- Vỗ nhẹ lưng bé

Đặt bé nằm sấp trên đầu gối hoặc đùi mẹ, nghiêng người về phía trước 30 độ, bàn tay nắm lại vỗ nhẹ nhàng trên lưng. Việc làm này có thể làm lỏng chất nhầy giúp con dễ thở hơn.

Trên đây là chi tiết về bệnh tình và cách trị sổ mũi cho trẻ sơ sinh. Hy vọng các mẹ sẽ có thêm kiến thức giúp chăm con mau khỏi bệnh.

Theo Mỹ Anh (Dịch theo TheBump) (Khám Phá)

Theo Mỹ Anh (Dịch theo TheBump) (Khám Phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/lam-me/nguyen-nhan-cach-chua-tri-ngat-mui-so-mui-o-tre-so-sinh-c10a308624.html