Cách Trung Quốc lấy lòng 'siêu bộ trưởng' Myanmar

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của bà Suu Kyi đối với một loạt dự án của Trung Quốc ở Myanmar.

Mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar đã đi xuống dưới thời Chính phủ của Tổng thống Thein Sein, do khi đó Myanmar giảm quan hệ với Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhằm trở lại trường quốc tế sau nhiều thập kỷ cô lập.

Nhiều người dân Myanmar cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh vơ vét đất đai, gỗ và khoáng sản trên đất nước họ, bất chấp những thiệt hại gây ra cho cộng đồng địa phương.

Công nhân Trung Quốc tại địa điểm dự kiến xây dựng cảng nước sâu ở Kyaukphyu. Ảnh: WSJ

Năm 2008, giới tướng lĩnh quân đội Myanmar trao thầu cho Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) xây dựng nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt khiến hàng nghìn dân làng phải di dời chỗ ở.

Trong nỗ lực giảm quan hệ với Trung Quốc dưới thời Thein Sein, Myanmar đã dừng việc xây dựng một đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD ở Myitsone. Đây là đập thủy điện với mục đích ban đầu là cung cấp điện cho khu vực phía Tây Nam còn kém phát triển của Trung Quốc. Các nhà hoạt động môi trường Myanmar và người dân địa phương đã phản đối dự án, lo ngại rằng một dự án như vậy sẽ làm gián đoạn dòng chảy chính của nước này - sông Irrawaddy, và tác động xấu đến đời sống người nông dân.

Hai dự án lớn khác của Trung Quốc cũng bị dân chúng phản đối dữ dội là các mỏ đồng Letpadaung và tuyến đường sắt Myanmar-Vân Nam, nối liền bờ biển phía Tây của Myanmar với miền Nam Trung Quốc.

Khi bà Suu Kyi thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái ở Myanmar đã đem đến cho Trung Quốc những tia hy vọng về một sự khởi đầu mới ở quốc gia Đông Nam Á này.

Bà Aung San Suu Kyi - người tuy không nắm cương vị Tổng thống, nhưng hiện lại được xem là nhà lãnh đạo thực chất của Myanmar khi nắm một loạt các bộ chủ chốt, đồng thời là chủ tịch đảng cầm quyền.

Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ của bà Suu Kyi đối với một loạt dự án của Trung Quốc ở Myanmar, bao gồm đập thủy điện ở Myitsone.

Cũng nhằm duy trì ảnh hưởng với Myanmar, Trung Quốc dự định xây dựng một cảng nước sâu trị giá 10 tỷ USD tại quốc gia này.

Dự án cảng nước sâu kể trên còn bao gồm cả một đặc khu kinh tế, tọa lạc ở đảo Maday thuộc thị trấn Kyaukphyu, bang Rakhine, phía tây Myanmar. Đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng hiện diện ra Ấn Độ Dương và Nam Á, cũng như khôi phục những đặc quyền từng được hưởng từ thời chính quyền quân sự Myanmar.

Theo một nguồn tin thân cận, trong một chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, một số thành viên Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi trấn an giới chức Trung Quốc rằng họ sẽ nỗ lực để giảm tâm lý “bài Trung Quốc” - nguyên nhân dẫn tới việc các dự án của Trung Quốc ở Myanmar bị phản đối.

Khi một đoàn đại biểu Trung Quốc tới thăm thủ phủ bang Kachin của Myanmar trong tháng 6 này nhằm vận động cho việc tái khởi động dự án Myitsone, hàng chục người biểu tình đã tập trung bên ngoài khách sạn. Những biểu ngữ mà họ giương cao viết: “Không xây đập ở Irrawaddy” và “Hãy tôn trọng người dân địa phương”.

Ông Tsa Ji, nhà tổ chức biểu tình thuộc một tổ chức phi chính phủ (NGO) địa phương, cho biết họ muốn dừng dự án thủy điện trên vì lý do môi trường và để tránh việc một số lượng lớn nông dân bị mất nhà cửa.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một dự án như vậy ở địa phương mình”, ông Tsa Ji nói.

Theo thống kê, thương mại với Trung Quốc chiếm 1/3 tổng kim ngạch ngoại thương của Myanmar, đầu tư của Trung Quốc tại Myanmar cũng chiếm 1/3 đầu tư nước ngoài tại Myanmar.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cach-trung-quoc-lay-long-sieu-bo-truong-myanmar-3310967/