Cách ứng phó với 6 tình trạng sức khỏe ở người nhiễm HIV

HIV tấn công các tế bào miễn dịch của cơ thể. Khi miễn dịch suy yếu sẽ gây nên nhiều vấn đề sức khỏe… Do đó, tuân thủ điều trị, chú ý dinh dưỡng và tập luyện là chìa khóa giúp người nhiễm HIV khỏe mạnh…

Đối với người dương tính với HIV, dinh dưỡng tốt sẽ giúp:

Cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể, bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần.
Giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật tốt hơn.
Giúp quản lý các triệu chứng và biến chứng của HIV.
Giúp hấp thu thuốc điều trị tốt hơn và giảm tác dụng phụ của thuốc…

Người nhiễm HIV phải dùng thuốc ức chế virus (ARV) trong suốt cả cuộc đời. Do đó, cần lưu ý về thực phẩm ăn hàng ngày để nâng cao sức khỏe và không có tương tác bất lợi với các thuốc đang dùng.

Dưới đây là lưu ý đối với một số tình trạng sức khỏe cụ thể:

1. Buồn nôn và nôn ở người nhiễm HIV

Buồn nôn, nôn là triệu chứng thường gặp ở người nhiễm HIV.

Buồn nôn, nôn là triệu chứng thường gặp ở người nhiễm HIV.

GS. Carlos Malvestutto, chuyên gia truyền nhiễm của Hoa Kỳ cho biết, có khoảng 30% đến 60% số người trong giai đoạn đầu nhiễm HIV có triệu chứng buồn nôn, nôn. Những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện trong và sau khi điều trị thuốc kháng virus.

Khi người nhiễm HIV gặp phải tình trạng buồn nôn và/hoặc nôn hãy thử:

Ăn các bữa ăn nhỏ (chia nhỏ các bữa ăn), sau mỗi 1-2 giờ.
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay, hoặc thức ăn có mùi mạnh.
Ăn nhiều đồ ăn lạnh và ít đồ ăn nóng.
Nghỉ ngơi giữa các bữa ăn, không nên đi nằm.
Uống trà gừng (giảm buồn nôn)
Dùng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ (khi cần thiết).

2. Tiêu chảy

Tiêu chảy là tình trạng sức khỏe thường gặp ở người nhiễm HIV, có thể là triệu chứng ở giai đoạn đầu nhiễm virus, nhưng cũng có thể là do nhiễm trùng cơ hội hoặc thuốc điều trị.

Khi bị tiêu chảy, người nhiễm HIV nên:

Uống nhiều chất lỏng hơn bình thường như nước lọc, nước trái cây pha loãng
Hạn chế sữa và đồ uống có đường hoặc chứa caffein.
Ăn chậm và thường xuyên hơn.
Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ.
Hãy thử chế độ ăn BRAT (gồm chuối, cơm, sốt táo và bánh mì nướng) trong một thời gian ngắn.
Không nên ăn đồ tươi sống, thức ăn cần nấu chín.

3. Chán ăn

Chán ăn cũng là một trong những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Chán ăn có thể do các vết lở loét trong miệng, lưỡi, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, mất vị giác, chán ăn…

Để ứng phó với tình trạng này có thể:

Tập thể dục để giúp kích thích sự thèm ăn.
Không nên uống nhiều nước ngay trước bữa ăn.
Nên ăn cùng gia đình hoặc bạn bè, làm cho bữa ăn trở nên hấp dẫn nhất có thể.
Ăn những bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn.
Dùng thuốc kích thích thèm ăn theo chỉ định của bác sĩ (khi cần thiết).

4. Sụt cân

Sụt cân dù ăn uống bình thường là một dấu hiệu cho thấy bạn bị nhiễm HIV hoặc HIV đang đi vào giai đoạn nặng hơn. Tình trạng này có thể do bị tiêu chảy ở mức độ nặng. Nếu sụt cân, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể đang gặp nhiều vấn đề.

Khi bị sụt cân nên:

Ăn nhiều protein, carbohydrate và chất béo trong chế độ ăn uống.
Trao đổi với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp
Dùng thuốc kích thích sự thèm ăn và điều trị chứng buồn nôn theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết.

5. Khó nuốt

Đối với người nhiễm HIV khó nuốt nên:

Ăn thức ăn mềm như sữa chua hoặc khoai tây nghiền.
Ăn thức ăn chín nấu mềm, dễ nuốt.
Chọn trái cây mềm hơn để ăn, chẳng hạn như chuối…
Tránh xa các thực phẩm có tính axit như cam, chanh và cà chua.
Trao đổi với bác sĩ để đảm bảo bạn không bị nhiễm trùng cơ hội hoặc cần xét nghiệm chẩn đoán thêm.

6. Loạn dưỡng mỡ

Loạn dưỡng mỡ là tình trạng lượng mỡ và sự phân bố mô mỡ trong cơ thể trở nên bất thường, không đồng đều. Người nhiễm HIV có thể bị mất mỡ (teo mỡ) ở một số vùng cơ thể, thường là mặt, cánh tay, chân… trong khi lại bị tích mỡ ở các vùng khác như gáy, ngực, bụng… Một số loại thuốc điều trị HIV cũng có thể gây nên tình trạng này.

Một số biện pháp có thể khắc phuc như:

- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Chọn chất béo không bão hòa và thực phẩm cung cấp axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá ngừ; hạn chế rượu bia, đường tinh luyện; hạn chế các loại thực phẩm làm tăng lượng glucose và insulin, chủ yếu là carbohydrate; ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả giàu chất xơ.

- Tập thể dục thường xuyên: Giúp có thể kiểm soát nồng độ insulin, đốt cháy calo…

- Đổi thuốc điều trị HIV khi cần thiết…

BS. Nguyễn Bích Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-ung-pho-voi-6-tinh-trang-suc-khoe-o-nguoi-nhiem-hiv-169230901202358685.htm