Cách xử lý khi gặp người lên cơn động kinh

Hiện nay, không hiếm gặp trường hợp bất ngờ bị co giật, ngã nơi công cộng do động kinh, khiến người xung quanh không biết xử lý sao cho đúng cách. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần để tư vấn giúp bạn đọc.

Đo điện não đồ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đo điện não đồ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu của người bị động kinh?

+ Động kinh là tình trạng rối loạn kịch phát tạm thời của các chức năng hệ thần kinh trung ương, có thể biểu hiện qua rối loạn hay mất ý thức, bất thường cử động vận động, hành vi, cảm giác hay rối loạn thần kinh thực vật. Các cơn co giật của động kinh thường xuất hiện một cách đột ngột, lặp lại theo chu kỳ, giữa các lần xảy ra thì có đặc điểm tương đối giống nhau. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng thường xuất hiện ở trẻ em từ sơ sinh cho đến 12 tuổi và người lớn trên 65.

Triệu chứng của bệnh động kinh có thể khác nhau ở mỗi người, tuy nhiên dấu hiệu cơ bản của bệnh thường là: Đột ngột mất ý thức, co giật toàn thân hoặc cục bộ trên một phần cơ thể; cơn vắng ý thức kèm theo ngây người, mắt nhìn lơ đãng, ngừng các hoạt động đang làm; cơn vắng ý thức kèm theo chép miệng, nhai...

Cũng nên phân biệt động kinh với một số trường hợp khác như ngất, hạ đường huyết, giật cơ lành tính, chứng ngủ rũ, các cơn ngừng thở, cơn hoảng sợ...

- Nguyên nhân nào gây bệnh động kinh, thưa bác sĩ?

+ Hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh đều không rõ nguyên nhân, còn gọi là động kinh vô căn. Tuy nhiên, một tỷ lệ khác có thể do yếu tố di truyền, do bất thường về yếu tố hóa học trong não như nồng độ Na+, K+, Ca2+... do mất cân bằng giữa chất dẫn truyền thần kinh dạng ức chế (Gamma aminobutyric acid - GABA) và dạng kích thích (Glutamate).

Bên cạnh đó, bệnh động kinh còn do tổn thương não bộ, như: Chấn thương sọ não hoặc vùng đầu, nhiễm trùng não (do viêm não, viêm màng não); sau cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não, mất trí nhớ Alzheimer, sốt cao co giật tái diễn nhiều lần…

Cũng có thể nguyên nhân liên quan đến cấu trúc não như bất thường ngay từ trong bào thai, rối loạn chuyển hóa trong não bộ bẩm sinh, có khối u não, xuất hiện các mạch máu và cấu trúc bất thường trong não không rõ căn nguyên.

Động kinh còn có thể do sử dụng một số loại thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến não như thuốc chống trầm cảm, rượu, ma túy…

Để chẩn đoán chính xác là bệnh động kinh, nguyên nhân cần dựa vào các triệu chứng trên lâm sàng, điện não đồ, hình ảnh tổn thương não trên Ctscan, PET scan, MRI, kết quả xét nghiệm.

Hình ảnh sóng não đồ của 2 loại động kinh là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể.

- Bệnh động kinh có nguy hiểm, có điều trị được không, thưa bác sĩ?

+ Do cơn co cứng, co giật và mất ý thức thường xảy ra đột ngột, vì vậy bệnh nhân có thể bất ngờ ngã xuống gây thương tích; gặp tai nạn khi lái xe, lao động... Cùng với đó, cơn động kinh còn gây cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng nhận thức, tư duy, trí nhớ, đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ khiến trẻ lơ đãng, hay quên, giảm khả năng tiếp thu kiến thức.

Động kinh kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ cao gặp phải những rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo âu, tiêu cực hơn là suy nghĩ tự tử bởi họ luôn tự ti về bản thân mình, biến đổi nhân cách (dễ cáu giận, bực tức vô cớ, cục tính, bầy hầy, vị kỷ...).

Động kinh còn khiến bệnh nhân suy giảm khả năng tình dục, rối loạn cương dương ở nam giới do rối loạn cảm xúc và sử dụng thuốc chống động kinh trong thời gian dài. Động kinh trong khi mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và em bé; một số thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng động kinh, nhằm điều trị và kiểm soát các cơn co giật. Tùy theo thể động kinh và nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng động kinh cho phù hợp, hoặc có thể được chỉ định phẫu thuật não.

Bên cạnh đó, cần kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tránh căng thẳng, stress, tránh làm việc quá sức, không thức quá khuya, không sử dụng rượu bia, thuốc lá, ma túy, đồng thời nên thư giãn bằng cách tập hít thở sâu, ngồi thiền, tập yoga...

- Xin bác sĩ cho biết cách xử trí khi gặp người bệnh lên cơn động kinh?

+ Khi gặp người lên cơn động kinh, cần bình tĩnh, nhẹ nhàng đỡ người đang bị co giật nằm xuống mặt phẳng an toàn như giường, sàn nhà, đặt đầu bệnh nhân lên gối/vải mềm và nghiêng đầu sang một bên để bệnh nhân dễ thở và đờm dãi có thể chảy ra, không gây tắc đường hô hấp hoặc bị sặc. Nới lỏng quần áo, khăn quàng, giữ nhẹ nhàng để bệnh nhân không bị va đập, không ghì, giữ chặt bệnh nhân, không đặt bất cứ thứ gì vào miệng (kể cả nước hoặc thuốc) vì có thể gây sặc, tắc nghẽn đường thở. Không để bệnh nhân gần những đồ vật cứng, sắc nhọn, dễ vỡ, dễ cháy để đề phòng chấn thương cho người bệnh. Không để bệnh nhân tự đi lại cho đến khi ý thức trở lại bình thường.

Cố gắng theo dõi thời gian của cơn co giật và ghi nhận những gì xảy ra trong cơn co giật để có thể mô tả lại cho nhân viên y tế hoặc cho chính người bệnh biết. Nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút, có nhiều cơn co giật hoặc sau cơn co giật một thời gian dài mà bệnh nhân không tỉnh lại thì nên gọi cấp cứu.

Người bệnh động kinh thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về tình trạng bệnh của mình, do vậy gia đình, bạn bè và những người xung quanh cần có thái độ cảm thông, động viên, chia sẻ để họ có thể sống hòa nhập với cộng đồng.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/cach-xu-ly-khi-gap-nguoi-len-con-dong-kinh-2451031/