Cách xử lý một số tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ

Môi trường xung quanh luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm với trẻ nhỏ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Do đó, cha mẹ cần lưu ý một số cách xử lý với những tai nạn thường gặp dưới đây để kịp thời bảo vệ bé.

Tai nạn do chó mèo cắn, côn trùng đốt

Đa số trẻ đều thích chó mèo, thường vuốt ve, âu yếm chúng; nhưng cũng có lúc lại trêu chọc như giật râu, kéo đuôi, chọc mắt... khiến chó mèo cáu giận, cào cắn trẻ. Vì vậy cần tiêm thuốc phòng dại đầy đủ cho chó mèo. Ở nông thôn, đã có nhiều trường hợp chó cắn bộ phận sinh dục của trẻ để lại di chứng rất nặng nề. Như vậy, tốt nhất là không để chó mèo gần trẻ, vừa phòng được bệnh dại cũng như các bệnh khác có thể lây sang trẻ từ chó mèo như dị ứng, giun sán...

Đối với các loại côn trùng như kiến, ong..., cần lưu ý diệt trừ ngay khi phát hiện, đề phòng chúng có thể châm đốt trẻ bất cứ lúc nào. Lưu ý là đã có những trường hợp trẻ chơi đùa với chim, ghé mắt sát lồng bị chim mổ mù mắt.

Khi trẻ bị ngã sưng đau

Khi trẻ ngã hoặc va đập gây ra mảng tím bầm hoặc sưng bướu lên, bạn có thể áp lên chỗ đó nước lạnh hoặc đá lạnh trong chừng 10 phút để giảm đau và giảm độ sưng tấy. Nếu là nước lạnh thì hãy thấm nước lạnh vào một cái khăn rồi đắp lên chỗ đau. Nếu bạn dùng đá thì không nên áp trực tiếp vào chỗ đau mà bọc miếng đá vào trong một cái khăn rồi áp lên chỗ đau. Sau đó có thể bôi lên chỗ đau một chút dầu nếu trả đã lớn, với điều kiện là chỗ đau không bị rách. Với trẻ nhỏ cần có thuốc chuyên dụng hợp với lứa tuổi.

Khi trẻ bị kẹp ngón tay hoặc chân

Bạn hãy nhúng ngón tay hoặc chân của trẻ vào nước lạnh sạch trong chừng 5 phút rồi lau khô chỗ đau, nếu không bị rách có thể bôi chút dầu theo nguyên tắc vừa nêu trên. Nếu bị rách, nhất là trong trường hợp móng dần bị thâm tím và đau thì nên băng ngón tay hoặc ngón chân đó lại, việc băng này vừa có ích lợi làm cho trẻ đỡ đau, vừa có tác dụng giữ được móng trong đa số các trường hợp.

Nếu bạn thấy vết kẹp của bé khá trầm trọng và gây đau đớn cho bé nhiều thì trong vòng hai giờ sau khi trẻ bị kẹp, bác sĩ có thể dùng kim vô trùng chọc túi máu đọng dưới móng để giảm đau cho bé nhanh chóng. Muộn hơn hai giờ thì việc chọc này ít tác dụng do máu đã đông.

Trẻ uống hoặc nuốt phải chất độc gì đó

Lúc này bạn cũng cần bình tĩnh, gọi xe cấp cứu, hoặc đưa trẻ tới phòng cấp cứu ngay. Đồng thời, bạn phải chuẩn bị để trả lời thật chính xác một số câu hỏi để giúp bác sĩ chuẩn đoán được chính xác mức độ ngộ độc của trẻ như sau: Trẻ đã uống hoặc ăn phải chất gì? Số lượng bao nhiêu? Vào thời gian nào? Những biểu hiện ngộ độc của trẻ như thế nào?

Muốn trả lời được các câu hỏi, bạn cần quan sát chỗ trẻ ngồi, các đồ vật xung quanh, cả trong túi áo, quần của trẻ. Bạn hãy mang tất cả những đồ vật mà bạn nghi ngờ tới bệnh viện để đưa cho bác sĩ. Bạn không nên cho trẻ uống bất cứ thứ gì nếu bạn không có chuyên khoa. Bạn hãy đề nghị trẻ nôn ra hoặc kích thích họng cho trẻ nôn ra nếu được, nếu không làm được bạn cũng đừng cố gắng quá để mất thời gian.

Khi trẻ bị điện giật

Việc đầu tiên bao giờ bạn cũng cần làm là cắt cầu dao điện. Nếu trẻ nghịch cho tay vào chốt điện và không rút được tay ra, bạn không được kéo trẻ ra mà phải ngắt cầu dao điện. Nếu trẻ đụng vào một dây điện, bạn phải dùng một cái que gỗ hoặc một vật cách điện để gạt dây điện đó ra. Nếu trẻ không còn thở nữa, phải thực hiện ngay phương pháp hô hấp nhân tạo và gọi cấp cứu.

Khi bé nghẹn, hóc vật lạ

Nuốt phải những vật lạ là tai nạn thường gặp ở các bé dưới 2 tuổi, do các bé còn quá nhỏ và vẫn còn thói quen bỏ vào miệng bất cứ thứ gì. Ngoài ra, ở độ tuổi này các bé cũng dễ bị sặc đồ ăn, thức uống trong khi đang khóc. Thông thường, cha mẹ lấy tay vuốt lưng hay ngực bé để dị vật trong cổ họng “xuôi xuống”, nhưng thực tế động tác này không có tác dụng giúp thức ăn hay dị vật đi xuống.

Cách sơ cấp cứu tốt nhất cho bé lúc này là cha mẹ nên đặt bé nằm sấp trên đùi bạn, đầu chúi về phía trước, thấp hơn phần thân, dùng tay chụm lại và vỗ nhẹ vào lưng bé. Với những bé lớn trên 3 tuổi, bạn có thể yêu cầu bé đứng chúi đầu xuống đất, phần đầu thấp hơn ngực, rồi lấy tay vỗ vào giữa hai xương bả vai của con khoảng 5-7 cái với động tác dứt khoát.

Cách sơ cấp cứu thứ hai với tai nạn hóc dị vật này là: Đặt bé nằm ngửa, đầu hơi ngửa ra đằng sau, lưng dựa vào người bạn, dùng hai ngón tay ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn khi ấn phải chú ý ấn vào bên trong và hơi đưa lên trên, động tác phải dứt khoát, nhanh và mạnh. Với những bé lớn có thể nắm lại thành quả đấm (ngón cái nằm trong) rồi cũng ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của bé, hướng lên trên. Nếu với 2 cách làm trên vẫn không giúp bé đẩy vật là ra ngoài, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất.

Sơ cấp cứu khi bé bị bỏng

Với bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh, nên bị bỏng là tai nạn các bé rất dễ gặp phải.

Nếu con bạn bị bỏng do nước sôi, nước canh nóng hay chạm phải bô xe máy, trước tiên cần làm mát vết bỏng trong nước lạnh. Nhẹ nhàng ngâm chỗ vết thương của bé trong chậu nước sạch, hoặc mở vòi nước để xả nhẹ lên vết bỏng. Ngâm vết thương trong nước lạnh ít nhất 10 phút, điều này sẽ giúp bé giảm đau và sưng phồng.

Nếu bị bỏng do hóa chất thì khi xối nước cần cẩn thận để tránh dây ra các vị trí khác không bị bỏng.

Sau khi ngâm vết bỏng trong nước lạnh, hãy băng vết thương lại cho bé bằng miếng vải sạch không nhiều sợi lông. Tuy nhiên, nếu vết bỏng nặng hoặc to hơn bàn tay thì phải đưa trẻ đến bệnh viện.

Sơ cấp cứu khi bé chảy máu cam

Khi con bạn đột nhiên bị chảy máu cam, đầu tiên hãy cho bé ngồi xuống và hơi ngửa đầu về phía sau để ngăn máu không tiếp tục chảy xuống mũi. Lấy tay bịt mũi của bé lại trong 10 phút, yêu cầu bé không thở bằng mũi mà thờ bằng miệng. Nếu máu vẫn không ngừng chảy bạn để bé tiếp tục động tác bịt mũi, thờ bằng miệng như vừa rồi thêm 2 lần nữa.

Khi thấy máu ngừng chảy, lấy khăn hoặc giấy ướt lau sạch mũi cho bé. Hạn chế không cho bé nói chuyện, chạy nhảy hay khụt khịt mũi bởi nó có thể làm vỡ mạch máu đã lành trong mũi và lại gây chảy máu. Lưu ý không để bé ngửa hẳn cả đầu ra sau bởi máu sẽ có thể chảy ngược vào cổ họng gây khó chịu. Sau hơn 30 phút, máu cam vẫn tiếp tục chảy, ngay lập tức đưa bé đến gặp bác sĩ để điều trị.

Quỳnh Anh

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/suc-khoe/cach-xu-ly-mot-so-tai-nan-thuong-gap-o-tre-nho-42830.html