Cái ao chưa lấp

Nhà ông Chính ở làng Thanh có một cái ao 120m2 trong vườn. Ông đã cẩn thận xây tường bao quanh ao, hàng ngày bơm nước từ ao này lên tưới vườn rau nhà trồng.

Ảnh minh họa/INT

Ông Chính khá hài lòng với cái ao nước của nhà, mỗi mùa mưa, nước từ vườn cây, từ sân, từ mái nhà chảy dồn xuống ao. Trong ao có đàn cá rô, cá trê, và một chú rùa nhỏ. Những lúc thư nhàn, ông còn ngồi trên bờ ao câu cá.

Nhưng ai đến nhà ông, thấy cái ao này, đều hỏi: “Bao giờ thì ông lấp ao?”. Ông Chính ngạc nhiên hỏi lại rằng, lấp ao để làm gì, thì người ta trả lời, để lấy đất xây nhà trọ cho công nhân thuê, hoặc bán lấy tiền tiêu.

Ông Chính thì nghĩ, ông có đủ tiền lương hưu chi phí cho sinh hoạt cá nhân, các con ông sống ở thành phố, có nghề nghiệp và thu nhập, ông chẳng cần gì thêm tiền. Vả lại ông thích cái ao nhà mình, thích mặt nước mát mẻ, hơn nữa, cái ao còn là nơi tích trữ nước ngọt tưới cho vườn rau xanh tốt. Ông quyết định không lấp ao lấy đất làm gì.

Thế là làng Thanh cứ bàn tán về cái ao chưa lấp của nhà ông Chính. Ao làng này đã lấp hết để lấy đất làm nhà ở, nhà trọ cho công nhân thuê, thành ra việc có một cái ao như nhà ông Chính là chuyện khác người. Xưa kia, ở làng Thanh, nhà nào cũng có một cái ao, thậm chí có nhà bao quanh hai mặt là hai cái ao rộng, mặt nước trong mát.

Trong xóm có dãy ao liên hoàn chảy qua các khu vườn, nhà. Người dân làng nuôi bèo hoa dâu làm phân bón ruộng, nuôi bèo cái làm thức ăn cho lợn, hoặc thả bè rau muống, rau ngổ, nuôi cá tôm làm thức ăn. Cái ao vừa là cảnh quan đẹp, vừa là nơi làm kinh tế của người dân làng.

Nhưng ngày nay, khi khu công nghiệp trú đóng ở gần làng, công nhân của khu công nghiệp vào làng tìm nhà trọ, thì dân làng nghĩ ra cách kiếm tiền khác. Họ lấp ao đi để lấy đất xây nhà cho con cái, rồi xây nhà trọ cho công nhân thuê, hoặc bán đất cho người mới đến định cư trong làng. Ao làng dần dần biến mất.

Thế là các thi sĩ về làng không còn có thể mơ mộng thư giãn bên bờ ao được nữa. Nhưng điều đáng quan tâm hơn tâm hồn các thi sĩ, đó là làng Thanh không còn chỗ chứa nước ngọt khi trời đổ mưa nữa. Do không có quy hoạch tổng thể, mạnh ai nhà nấy lấp ao, nên nước ngọt không còn chỗ chứa. Mỗi khi trời mưa dầm, nhất là vào mùa mưa tháng 7, tháng 10 thì trong làng xảy ra tình trạng ngập lụt.

Nước mưa tràn vào cống rãnh, cống rãnh nhanh chóng đầy và nước cống tràn lên đường, bốc mùi gây mất vệ sinh. Sân nhà, đường làng ngập tràn nước cống sau mỗi cơn mưa lớn, nước ô nhiễm ứ lại không thoát đi đâu được, tạo ra nguy cơ các bệnh da liễu, bệnh tiêu hóa, truyền nhiễm cho người dân.

Nước ô nhiễm cũng tràn vào các vườn rau của các gia đình, ngấm vào đất, ngấm vào rau, rồi rau ấy lại được ăn vào người, lâu dần hủy hoại sức khỏe con người.

Cổ nhân đã nói: “Nơi nào có nước ngọt, nơi đó có sự sống”. Nhiều nơi trên thế giới, chính quyền sở tại quy hoạch các vùng dân cư tại nơi có mặt nước ngọt rộng, xây dựng những khu bảo tồn mặt nước, khu du lịch, và cẩn trọng bảo vệ nguồn nước sạch. Trong khi đó ở nước ta, không ít nơi như làng Thanh này, các mặt nước ao lại bị kết liễu vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ tới chuyện lâu dài.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/cai-ao-chua-lap-dGQvVklMg.html