Cái bắt tay hờ hững Trump-Macron sau đề xuất quân đội EU

Tổng thống Macron siết chặt tay Tổng thống Trump, nhưng ngược lại, ông Trump chỉ hờ hững với người đối diện.

Ngài Trump giận ra mặt

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi hội đàm tại điện Elysee (Paris) trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Trong buổi gặp mặt này, ông Trump luôn càu mày và giữ một khoảng cách nhất định với người đồng cấp Macron. Sự lạnh nhạt của Tổng thống Trump kéo dài suốt buổi gặp mặt, trước rất nhiều ống kính máy quay của phóng viên.

Thái độ này của ông Trump trái ngược hoàn toàn với sự hồ hởi thân thiện của ông Macron. Và vị Tổng thống Pháp dường như tỏ ra lúng túng và đôi khi vỗ nhẹ vào đầu gối của ông Trump như một hành động thể hiện sự xoa dịu.

Đáng chú ý nhất, khi hai vị Tổng thống kết thúc buổi hội đàm, ông Macron đã siết chặt bàn tay mình khi bắt tay ông Trump. Tuy nhiên ống kính phóng viên ghi lại khoảnh khắc này cho thấy ông Trump chỉ duỗi thẳng bàn tay của mình mà không hề khép những ngón tay lại.

Cách bắt tay giận dỗi của ông Donald Trump

Cách bắt tay giận dỗi của ông Donald Trump

Qua những ngôn ngữ cơ thể như vậy, phải nói rằng ngài Trump vẫn giận dữ vì "sự xúc phạm" mà Tổng thống Pháp dành cho mình trước đó. Ngay khi đặt chân xuống Paris, ông Trump đã chỉ trích Tổng thống Pháp.

"Tổng thống Macron của nước Pháp vừa đề xuất rằng châu Âu nên xây dựng lực lượng quân đội riêng để tự bảo vệ họ trước Mỹ, Trung Quốc và Nga. [Điều đó] rất xúc phạm, nhưng có lẽ châu Âu nên đóng góp cho đủ phần mình trong NATO trước đã, thay vì để Mỹ phải gồng gánh một khoản lớn đến vậy" - Tổng thống Mỹ đăng trên Twitter cá nhân.

Con đường tự lập của châu Âu còn lắm chông gai

Trong tuyên bố của mình trên Twitter, ông Trump đã nhắc đến NATO, đã nhắc đến những khoản tiền mà Mỹ phải chi trả để bảo vệ châu Âu.

Giống với giọng điệu mà Washington đã luôn nói với các người đồng minh của mình thời gian qua, như Hàn Quốc phải trả tiền cho hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, phải đóng thêm tiền cho các cuộc tập trận, hay Arab Saudi sẽ không thể tồn tại quá hai tuần nếu không có Mỹ, và họ phải biết ơn về điều này...

Với EU, có lẽ ông Trump cũng đang áp dụng suy nghĩ kẻ cả bề trên như vậy. Nhưng châu Âu đã tự đánh giá được rằng suy nghĩ đó đã lỗi thời. Nó chỉ hợp thời khi khối quân sự Bắc Đại Tây Dương cùng kề vai sát cánh để đối đầu với Khối Hiệp ước Warszawa từ thời Chiến Tranh Lạnh.

Tổng thống Pháp liên tục xoa dịu Tổng thống Mỹ

Đã gần 30 năm từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, những diễn biến trên thế giới và trong nội tại châu Âu khiến họ cảm thấy mình xứng đáng có nhiều quyền tự quyết hơn, thay vì trở thành một lực lượng chư hầu và nhất cử nhất động làm theo những điều khiển của Washington.

Theo sau sự chỉ đạo của Mỹ trải dài từ Afghanistan, Iraq, Libya, Ukraine, Syria, rồi tới trừng phạt kinh tế Nga... lợi ích của châu Âu đang ở đâu, có tương xứng với những thứ mà họ đã bỏ ra. Cuộc làm ăn với Mỹ là lỗ, nhưng châu Âu chưa đủ tự tin, chưa đủ quyết tâm để tách rời Washington.

Chỉ đến khi ông Trump đưa ra cái gọi là "nước Mỹ trên hết", EU mới dám nhìn thẳng vào sự thật về cái gọi là "mối quan hệ đặc biệt" mà Washington tưởng thưởng cho họ trong suốt thời gian qua.

Mỹ có thể xa cách, nhưng vẫn còn đó sự chân thành của các nước thành viên châu Âu dành cho nhau

Thế nhưng, châu Âu thiếu một cái chung duy nhất là quân đội. Sức mạnh quân sự ở thế giới đa cực này tương tự như một phương pháp răn đe, một biện pháp đàm phán hiệu quả bậc nhất. Từng nước trong châu Âu đều sở hữu một đội quân mạnh, hiện đại, thiện chiến. Nhưng họ chỉ là cây đũa đơn lẻ dưới sự hiệu triệu của Mỹ. Sức mạnh bó đũa đã không được phát huy như cách mà châu Âu thực hiện với kinh tế, chính trị… Và Mỹ thừa hiểu, khi nào còn núp dưới cái ô NATO, châu Âu sẽ không thể đi con đường riêng của mình.

Pháp và châu Âu sẽ vấp phải nhiều khó khăn trên con đường thoát khỏi cái bóng NATO, sẽ còn nhiều trở ngại trên việc vươn mình thành một thế lực độc lập. Nhưng vẫn còn đó cái ôm của Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp trong buổi tưởng niệm những người lính hi sinh trong Thế chiến thứ nhất, vẫn còn đó một châu Âu đồng lòng và đoàn kết.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cai-bat-tay-ho-hung-trump-macron-sau-de-xuat-quan-doi-eu-3368996/