Cái bắt tay những đứa trẻ

Bạn đã bao giờ thất hứa với một đứa trẻ? Có lẽ, đó là một câu hỏi thừa. Nó thừa bởi lẽ trong chúng ta, dù là người chu đáo đến mấy đi nữa, chắc chắn cũng sẽ một lần trong đời ta thất hứa với một đứa trẻ dù ta không hề chủ đích.

Cuộc sống vốn dĩ nhiều biến động với bao nhiêu thứ phát sinh hàng giờ. Có những phát sinh buộc ta phải xử lý bất ngờ mà chính vì thế, ta trượt đi khỏi một lời hứa với một đứa trẻ.

Tôi thích trẻ con vô cùng. Nhưng cũng chính tôi đã từng thất hứa với trẻ con, đúng theo kịch bản “không cố ý”. Sau những lần thất hứa ấy, tôi luôn mang cảm giác có lỗi và luôn cố gắng đắp bù lại. Tôi sợ sự thất vọng nên tôi cảm giác được đứa trẻ sẽ thất vọng thế nào một khi nó tin, và kỳ vọng vào một lời hứa. Cái kỳ vọng ấy càng lớn, càng quan trọng với đứa trẻ, vết sẹo niềm tin trong lòng nó sẽ càng lớn hơn. Mang càng nhiều vết sẹo niềm tin, đứa trẻ càng bớt đi hồn nhiên và vô tư. Nó sẽ bước vào đời với đầy hoài nghi và có khi là cay nghiệt.

Nhắc tới cái thất hứa với trẻ cũng là bởi ký ức mạng mà tôi lục lại hôm nay chính là một câu chuyện đã cũ, từ 5 năm trước. Hôm đó, trong buổi thức đêm chờ xem trận chung kết bóng đá giải Europa League giữa CLB Marseille với CLB Atletico Madrid, tôi có mở xem một TV Series của Pháp trên Netflix có tên “Marseille”. Và có một cảnh trong phim đã buộc tôi phải dừng lại để viết cả một đoạn dài dằng dặc trên facebook. Đó là cảnh diễn ra ở văn phòng của một phó thị trưởng thành phố tên Lucas Barres. Lucas gặp gỡ Tod, một cậu bé khoảng 10 tuổi, mồ côi mẹ và có cha đang bị giam giữ vì tội danh nhập cư lậu. Theo gửi gắm của bà Rachel Taro, phu nhân thị trưởng, bé Tod được đưa đến gặp Lucas. Sau buổi nói chuyện với bà Rachel, Lucas đã đứng dậy dõng dạc nói “chú sẽ giúp cháu hết sức” và sau đó chìa tay ra bắt tay Tod, rất chặt. Tôi bị ấn tượng với cái bắt tay đó. Tôi coi đó là biểu tượng của một cam kết giữa người lớn với trẻ em, một cam kết bình đẳng giữa hai cá thể không phân biệt tuổi tác. Tôi đã nhận định về cái bắt tay ấy đại ý rằng người lớn (Lucas) đã ngầm đưa ra thông điệp với trẻ nhỏ (bé Tod) là “Tôi xem bạn là một người trưởng thành và tôi sẽ giữ uy tín của mình như một người trưởng thành khi đưa ra một lời hứa mang tính cam kết với bạn. Và tôi đặt ra câu hỏi “liệu rằng, trong đời, có bao giờ chúng ta có một thái độ đúng đắn đầy đủ để xem những đứa trẻ là những người bình đẳng với mình chứ không phải nhìn chúng từ vị thế cao hơn nhờ tuổi tác, và từ đó, giữ uy tín trong các cam kết với chúng?”.

“Khôn chưa đến trẻ, khỏe đâu đến già”, chúng ta vẫn quen với câu thành ngữ ấy suốt bao nhiêu năm rồi, và chúng ta hay nhìn vào đám trẻ với sự “khinh khi” của những người nhiều kinh nghiệm sống hơn. Thái độ đúng đắn với trẻ con nếu có thì cũng chỉ là những ân cần, đúng kiểu một ban ơn từ người lớn. Chúng ta thích những cái xoa đầu, những cái vỗ về đầy tính bề trên hơn. Chúng ta ít khi chìa bàn tay mình ra bắt tay trẻ em như một đối tác. Cái bắt tay, nếu có, cũng chỉ là một cách để vui đùa, hoặc động viên mà thôi. Chúng ta ít biết đến chuyện đứa trẻ cũng cần sự ghi nhận, đúng theo kiểu ta xem như nó đã đủ khôn, đủ lớn. Đúng là đứa trẻ nào thì cũng vậy thôi, đều còn non nớt và cần sự dìu dắt. Nhưng liệu chăng, sự dìu dắt chỉ là vỗ về, chỉ là chỉ dạy đơn thuần mà không có sự ghi nhận ư? Như vậy, sự dìu dắt ấy vẫn là dìu dắt còn khiếm khuyết.

Trong những năm qua, chúng ta đã mệt mỏi khi phải đọc quá nhiều những tin bài về những đứa trẻ bị ngược đãi, bị bạo hành. Có những câu chuyện bi thảm mà chúng ta không muốn kể lại, bởi nó khiến bản năng làm cha, làm mẹ của mỗi người bị tổn thương vô cùng sâu sắc. Ở đó, một sự dìu dắt khiếm khuyết đã không còn tồn tại chứ đừng nói đến chuyện một cam kết nào đó đã có, và được thực hiện. Thật ra, tôi vẫn nghĩ, khi sinh ra đứa con của mình là khi chúng ta đã bắt đầu một cam kết vô hình. Không đứa trẻ nào được quyền lựa chọn nơi mình sinh ra cả. Đó là một hành vi tự nhiên của giống loài và đứa trẻ cần nhận được cam kết từ chính những người lớn đã tạo ra nó. Trong cái cam kết lớn ấy, sẽ tồn tại rất nhiều những cam kết nhỏ. Từ những thứ nhỏ nhoi như lời hứa “bố sẽ đón con đúng giờ” cho tới những thứ lớn lao hơn một chút như chuyện “mẹ sẽ tôn trọng đời sống riêng của con”. Tôi chợt nhớ đến một phân cảnh dí dỏm trong bộ phim truyền hình đang chiếu “Gia đình mình vui bất thình lình” với lời “tố cáo” với ông bà rằng bố mẹ thường xuyên quên đón con đúng giờ trước bữa cơm tối của gia đình. Nó là một phân cảnh tạo tiếng cười cho khán giả nhưng tôi nghĩ, nó cũng có thể giúp không ít khán giả suy nghĩ đến chuyện “ta đã giữ lời hứa với con mình như thế nào”. Không phải gia đình nào cũng “vui bất thình lình” như cái gia đình trên phim truyền hình ấy. Và không phải đứa trẻ nào cũng sẽ đón nhận những lần thất hứa của cha mẹ như cậu bé trong phim. Ở ngoài cuộc sống, những đứa bé bị cha mẹ thất hứa sẽ hành xử khác. Những lần lủi thủi một mình ở sân trường khi chiều đã muộn, chỉ còn đúng bác bảo vệ trong khoảng sân trống trải, đứa trẻ sẽ nghĩ gì? Nỗi buồn có hình thành từ những buổi chiều đó hay không? Và những lời an ủi vỗ về vụng về của cha mẹ sau đó có khiến nó nguôi ngoai được một nỗi buồn vòng lặp như một thói quen?

Tôi từng hiểu nỗi buồn con trẻ mà không thể tìm cách nào lý giải cho nó hiểu. Đó là khi lớp của con trai tôi có buổi học ngoại khóa, với nhiệm vụ mỗi đứa trẻ sẽ trồng một cái cây. Cái cây mà con trai tôi gieo hạt đã nảy mầm, và vươn lên sống. Nó xin thầy sẽ mang cây ấy về tặng mẹ nhưng cuối cùng, nó bước ra khỏi cổng trường với sự hoang mang khó hiểu bởi thầy đã vứt cái ly nhựa chứa cái cây của nó (cũng như cái ly của nhiều bạn khác) vào thùng rác bởi “bài học đã kết thúc”. Nó có cảm giác bất công bởi nó thất hứa với mẹ mà không phải do nó cố ý. “Bài học đã kết thúc”, và cuối cùng, nó nhận được một bài học “không thể tin vào mọi lời hứa của người lớn”. Liệu rằng, đó có phải là một bài học quá lớn hay không? Tôi không thể nói với con theo kiểu chỉ trích người thầy mà nó đang rất kính trọng. Nhiều khi, thầy chỉ vô tình quên mà thôi. Nhưng tôi cũng không thể tìm đến thầy để nói chuyện về nỗi thất vọng của con mình, bởi điều đó dễ bị mang tiếng là bênh con, là kiếm chuyện. Giá như, thầy của con tôi giống như nhân vật Lucas trong TV Series “Marseille” kể trên, đã bắt tay nó với một lời hứa mang tính cam kết. Nếu thế, tôi tin chắc thầy không quên, và bữa đó, con sẽ bước ra khỏi cổng trường với cái cây xinh xinh trên tay để tròn lời hứa tặng mẹ.

Chúng ta cần phải chìa tay ra bắt lấy tay trẻ em nhiều hơn, cái bắt tay đàng hoàng như giữa một đối tác với một đối tác. Hành vi nhỏ nhưng nó có thể có tính nhắc nhớ rất cao, để chúng ta không quên cái điều mình đã cam kết cùng trẻ nhỏ. Nhưng cái lợi vượt lên trên hết chính là chúng ta đã tạo cho trẻ em sự tự tin khi chúng được đặt ở một vị thế đối diện người lớn khác hẳn với vị thế kẻ dưới như tập quán bao năm qua. Và một khi, chính người lớn chúng ta bỏ dần được cái vị thế bề trên lúc đối diện trẻ nhỏ, biết đâu chừng chúng ta cũng sẽ biết khiêm cung lại hơn trong cuộc đời, để đời sống mềm mại hơn, bớt đi những tranh cãi và áp đặt hơn…

Văn Đoàn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/cai-bat-tay-nhung-dua-tre-i695796/