Cải cách bộ máy quản lý tài chính phù hợp

Bộ Tài chính vừa chính thức hoàn thành việc sắp xếp toàn hệ thống thuế nhà nước. Với số lượng sau khi hợp nhất còn lại 415 chi cục thuế, ngành thuế đã đạt 102% kế hoạch sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực thuộc cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, vượt trước thời hạn đề ra gần một năm.

Ðiểm sáng hợp nhất chi cục thuế

Báo cáo của Tổng cục Thuế mới đây cho biết, trong các năm từ 2018 đến nay, thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối tổ chức, bao gồm 27 phòng thuộc cơ quan Tổng cục; 62 phòng và 296 chi cục, 2.100 đội thuế ở 63 cục thuế địa phương. Ðây là kết quả vượt bậc, bởi theo lộ trình đến hết năm 2020, toàn hệ thống thuế sẽ phải hợp nhất khoảng 548 chi cục thành 257 chi cục khu vực, giảm tới 291 chi cục. Theo đó, số cơ quan thuế tại địa phương chỉ còn 420 chi cục thuế cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trong toàn quốc. Tuy nhiên, đến hết tháng 2 vừa qua, ngành thuế đã giảm tiếp năm chi cục, đưa tổng số đầu mối chi cục thuế trong toàn quốc còn 415 chi cục, chính thức hòa mạng hệ thống cơ quan thuế nhà nước.

Ðánh giá về tiến trình cải cách này, Tổng cục trưởng Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng cũng rất khó khăn, vì vậy, trong quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế xác định cần có kế hoạch triển khai theo lộ trình phù hợp. Năm 2018, Tổng cục Thuế làm điểm việc sắp xếp, hợp nhất chi cục thuế khu vực tại sáu cục thuế đầu tiên, đã hợp nhất được 34 chi cục thành 16 chi cục thuế khu vực, giảm được 18 cơ quan chi cục thuế. Với kết quả đạt được, năm 2019, Tổng cục Thuế thực hiện tiếp năm đợt triển khai, và trong đầu năm nay thực hiện nốt hai đợt cuối cùng.

Như vậy, với sự cố gắng trong quãng thời gian chỉ hơn một năm, đến nay, Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Tài chính ký ban hành 111 quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước. “Qua đó, giảm tới 296 cơ quan chi cục, và toàn hệ thống thuế đã hoàn thành việc hợp nhất, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nói.

Giảm gần 7.000 chỉ tiêu công chức

Từ kinh nghiệm làm điểm tổ chức ngành Thuế, đối với các cơ quan trực thuộc còn lại, Bộ Tài chính chủ động tiến hành sắp xếp tổ chức, bộ máy. Tới thời điểm hiện tại, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã giảm được 236 đầu mối (gồm 186 phòng và tương đương thuộc cơ quan KBNN cấp tỉnh, 48 phòng giao dịch thuộc cơ quan KBNN quận, huyện tương đương cấp chi cục, hai cơ quan KBNN cấp huyện). Tại Tổng cục Hải quan, đã có 253 đầu mối được cắt giảm (gồm 14 chi cục; 239 tổ/đội). Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng giảm được 13 đầu mối (gồm bốn chi cục; chín bộ phận tương đương cấp tổ/đội). Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị thuộc cơ quan bộ và các đơn vị sự nghiệp công lập đã được sáp nhập, giải thể để giảm đầu mối tổ chức.

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ. Theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tài chính), năm 2020, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính được giao của Bộ Tài chính là 67.802 chỉ tiêu, giảm 6.460 chỉ tiêu (tương đương 8,7% so với năm 2015). Chuẩn bị cho biên chế năm 2021, Bộ Tài chính đã có phương án để tinh giản 10% so với năm 2015 đúng với tinh thần tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Cho tới hết năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế được 805 trường hợp, đạt tỷ lệ 110,12% theo kế hoạch, riêng trong năm 2019, tinh giản được 204 trường hợp, và sáu tháng đầu năm 2020 đã phê duyệt để thực hiện tinh giản biên chế cho 98 trường hợp.

Nhờ làm tốt công tác tư tưởng và sự phối hợp chu đáo, nghiêm túc, quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của ngành tài chính đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ Trung ương tới địa phương. Không những toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thể chế phù hợp, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch; tinh gọn bộ máy nhưng không ảnh hưởng nhiệm vụ chính trị của ngành mà kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt các tầng nấc trung gian, thanh lọc bộ máy, gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành, thay đổi phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành tài chính.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43624802-cai-cach-bo-may-quan-ly-tai-chinh-phu-hop.html