Cải cách chính sách BHXH: Hướng tới mục tiêu bảo đảm tốt quyền lợi người tham gia

Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), với sự nỗ lực của các cấp, ngành, Lạng Sơn cơ bản tiếp cận mục tiêu đến năm 2023 và đã, đang có nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đến năm 2025. Phóng viên Báo Lạng Sơn đã phỏng vấn bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh về những nội dung này.

Phóng viên: Xin bà cho biết một số mục tiêu tỉnh đã đề ra trong thực hiện Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH?

Bà Nông Thị Phương Thảo: Ngay sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 103-CTr-TU ngày 26/10/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Chương trình hành động đưa ra mục tiêu 3 giai đoạn cụ thể và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 khoảng 35%, đến năm 2025 khoảng 45% và đến năm 2030 khoảng 60% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH.

Phóng viên: Thưa bà, để đạt được những mục tiêu đề ra, thời gian qua, BHXH tỉnh đã và đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp và đạt kết quả như thế nào?

Bà Nông Thị Phương Thảo: Với đặc thù là ngành có nhiều hoạt động giao dịch với người dân, đơn vị, doanh nghiệp (DN), BHXH tỉnh luôn xác định lấy người dân, đơn vị, DN là trung tâm phục vụ. Những năm qua, cùng với thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại thì BHXH tỉnh đã đổi mới mạnh mẽ quy trình nghiệp vụ, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động (NLĐ); phát huy vai trò người đứng đầu từng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; nỗ lực trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ.

Cụ thể, BHXH tỉnh thực hiện công khai, minh bạch 25 TTHC trên Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh; niêm yết công khai tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của BHXH tỉnh và 10/10 BHXH các huyện; triển khai thực hiện quy trình cấp lại thẻ BHYT do bị mất, hỏng ngay tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Đồng thời tăng cường triển khai 2 nhóm TTHC liên thông: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng” đạt hiệu quả cao, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN.

Đến nay, toàn tỉnh có 98% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đăng ký và thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng “VssID – BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, đến nay đã có 85.748 tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các DVC về BHXH, BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp để làm thủ tục khám chữa bệnh… Hệ thống giao dịch điện tử và Hệ thống Thông tin giám định BHYT tiếp nhận khoảng 929.796 hồ sơ giao dịch trực tuyến/năm. Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số của ngành…

Ước tính đến hết năm 2023, cả tỉnh có 70.533 người tham gia BHXH, đạt 21,34% so với LLLĐ trong độ tuổi, còn thiếu 23,66% so với mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH là 15.123 người, đạt 4,58%, nhiều hơn 2,08% so với mục tiêu đến năm 2025; số người tham gia BHTN là 45.169 người, đạt 13,67%, còn thiếu 21,33% so với mục tiêu đến năm 2025.

Phóng viên: Thưa bà, việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28 hiện gặp những khó khăn gì? và ngành sẽ có những giải pháp gì để khắc phục khó khăn?

Bà Nông Thị Phương Thảo: Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN thời gian qua gặp một số khó khăn như: trên địa bàn tỉnh phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN cũng hạn chế. Mặt khác, nhận thức của một số chủ sử dụng lao động, người lao động và người dân về chính sách BHXH, BHTN chưa đầy đủ; tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN của các DN như: trốn đóng, đóng chưa đầy đủ số lao động phải tham gia; tình trạng chậm đóng, nợ đọng kéo dài còn xảy ra ở nhiều DN; …

Đặc biệt, từ năm 2020 đến năm 2022, do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biễn phức tạp khiến các DN sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, người lao động bị mất việc làm… ảnh hưởng nhiều đến công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN.

Để khắc phục những khó khăn này và đảm bảo được việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết 28 đến năm 2025 đạt 45% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH, thời gian tới, ngành xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức thông tin, truyền thông. Cùng với đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển người tham gia; chú trọng việc giải quyết, chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHTN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đơn vị sử dụng lao động trong việc chấp hành pháp luật BHXH, BHTN theo quy định. Đặc biệt, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, đa dạng hình thức tiếp nhận và trả kết quả TTHC, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN.

Cùng với những giải pháp nêu trên, chúng tôi cũng mong muốn sẽ có những cải cách kịp thời về chính sách, về các quy định trong Luật BHXH theo hướng mở rộng hơn các quyền lợi và đối tượng tham gia BHXH, BHTN. Trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với Luật BHXH (sửa đổi) tại BHXH tỉnh với sự tham gia của trên 120 đại biểu. Tại hội nghị đã có 12 lượt đại biểu ý kiến, đóng góp nhiều vào các quy định chi tiết nêu trong dự thảo luật. Cùng đó, BHXH tỉnh cũng góp ý vào quy định hưởng BHXH một lần; quy định đối với hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện để phù hợp với hình thức tự nguyện tham gia; quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH trước tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của DN diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Mục tiêu của cải cách là hướng đến đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia, cũng như đảm bảo cán cân an sinh xã hội. Vì vậy, nếu Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho ngành BHXH tổ chức thực hiện hiệu quả hơn, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 28 đã đề ra.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/634618-cai-cach-chinh-sach-bhxh-huong-toi-muc-tieu-bao-dam-tot-quyen-loi-nguoi-tham-gia.html