Cải cách để phục vụ tốt hơn

Mục tiêu của cải cách hành chính (CCHC) là hướng đến phục vụ tổ chức, công dân tốt hơn. Sự hài lòng của người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nói chung, của đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) nói riêng.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ giám sát công tác CCHC tại huyện Thới Lai.

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ giám sát công tác CCHC tại huyện Thới Lai.

Tăng cường vai trò giám sát

Tại Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, do Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 19-5, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác CCHC. Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn còn “kêu khó” vì CBCC gây phiền hà, nhũng nhiễu; gặp thủ trưởng thì dễ, còn gặp cấp dưới thì khó. Cử tri kiến nghị cần quyết liệt hơn nữa trong xử lý tình trạng tham nhũng vặt. Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân giải quyết hồ sơ.

Từ năm 2017, Ủy ban MTTQVN, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Nội vụ và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Việc đánh giá thông qua điều tra xã hội học triển khai ở 63 tỉnh, thành cùng với hệ thống tiêu chí đánh giá xác định chỉ số CCHC thường xuyên được nghiên cứu, hoàn thiện cả về phương pháp và nội dung. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá các Bộ, ngành, địa phương luôn coi đây là công cụ hữu ích trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương; kết quả đánh giá giúp xác định rõ tồn tại, hạn chế, chỉ rõ trách nhiệm giải trình và làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân trong thực thi công vụ và của tổ chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ở địa phương, hệ thống MTTQ và ngành Nội vụ còn chủ động xây dựng các chương trình giám sát, kiểm tra về công tác CCHC để kịp thời tham mưu, kiến nghị ngành chức năng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác CCHC. Tại TP Cần Thơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức giám sát chuyên đề về CCHC, trong đó huy động đội ngũ trí thức và các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng tham gia giám sát góp phần thúc đẩy CCHC. Sở Nội vụ thành phố cũng thành lập tổ kiểm tra công vụ, thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm nhắc nhở, chấn chỉnh lề lối làm việc, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực thi công vụ. Qua đó, nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, công chức ở địa phương về cải thiện tinh thần phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân được nâng lên; công tác CCHC từ đó nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ người dân.

Cần xem CCHC là nhiệm vụ ưu tiên

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhiều mô hình mới tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC, như: “Ngày không hẹn”, trả hồ sơ tại nhà không thu phí, đăng ký kinh doanh và thuế 1 lần; ki-ốt thông minh khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện. Bên cạnh đó, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối với tất cả cơ quan, ban, ngành… Bằng các sáng kiến hiệu quả, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của tỉnh đạt 98%.

Theo Báo cáo SIPAS 2019, khảo sát ở 63 tỉnh, thành, tỷ lệ người dân, tổ chức tiếp cận các quy định về TTHC thông qua các kênh:

- Công chức: khoảng 55% đến 85,83%

- Nội dung niêm yết công khai: khoảng 9,38%% đến 44,38%

- Mạng internet: khoảng 1,67% đến 21,86%

- Qua người thân, bạn bè: khoảng 1,76% đến 18,96%.

Các chỉ số trên cho thấy mức độ phụ thuộc vào công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa để biết quy định về TTHC vẫn rất lớn và việc này diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành. Tuy nhiên, điểm sáng trong CCHC là so sánh năm 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ người dân, tổ chức đi lại 1 - 2 lần để giải quyết TTHC tăng khoảng 5%; tỷ lệ đi lại 3 - 4 lần giảm khoảng 1% và tỷ lệ đi lại trên 4 lần giảm gần 4%.

TP Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh phong trào sáng kiến CCHC. Trong năm 2019, đã có 251 sáng kiến áp dụng tại các đơn vị, địa phương. Tiêu biểu như ứng dụng thông minh hướng dẫn tiếp nhận và xử lý những trường hợp vi phạm về trật tự đô thị; ứng dụng tìm hiểu thông tin quy hoạch đô thị. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, những ứng dụng thông minh rất tiện lợi vì được cài trên điện thoại di động, máy tính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, nhất là ở những lĩnh vực vốn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc, như: đất đai, quy hoạch đô thị, trật tự đô thị, góp phần công khai, minh bạch thông tin về TTHC đối với tổ chức, công dân, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết TTHC.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng cho rằng một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa coi công tác CCHC là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm, chưa giải quyết dứt điểm. Cải cách TTHC vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai TTHC và công khai kết quả giải quyết TTHC. Nhiều Bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ, còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi giải quyết TTHC trễ hẹn…

“Người dân, doanh nghiệp đến cơ quan hành chính nhà nước phải được hướng dẫn cụ thể về trình tự và thủ tục, nếu công chức và cơ quan trễ hẹn ngày trả kết quả giải quyết thì phải nêu rõ lý do và xin lỗi chân thành. Xin lỗi là điều đầu tiên người cán bộ phải biết, thể hiện sự trọng dân, học dân” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh. Đồng thời, lưu ý Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các nhà khoa học nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, phương pháp, nội dung đánh giá chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020, như: tiêu chí liên quan việc gửi, nhận văn bản điện tử các cấp chính quyền, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia… bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các Bộ, các tỉnh, thành.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/cai-cach-de-phuc-vu-tot-hon-a121760.html