Cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự, được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong toàn tỉnh.

Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết 919.461 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng hạn 895.664 hồ sơ, đạt 99,69%

Năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết 919.461 hồ sơ, trong đó, giải quyết đúng hạn 895.664 hồ sơ, đạt 99,69%

Nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, công tác CCHC luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh, chỉ đạo, điều hành và quản lý, từ đó tổ chức triển khai đồng bộ các nội dung CCHC theo quy định. Trong đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, triển khai, tổ chức thực hiện CCHC đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Đặc biệt, thực hiện công tác CCHC, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 sáng kiến, cách làm mới mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, sáng kiến Phát huy hiệu quả thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính các TTHC về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân trên Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Theo đó, sau thời gian triển khai các giải pháp kỹ thuật, tỉnh là đơn vị đầu tiên thử nghiệm thành công việc liên kết theo đúng mô hình chuẩn "một cửa" kết nối các hệ thống tác nghiệp qua trục liên thông tích hợp, chia sẻ (LGSP). Áp dụng mô hình này, người dân không phải di chuyển nhiều lần đến các cơ quan nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời, thông qua mô hình, việc quản lý, lưu trữ thông tin các biên lai thanh toán của người dân trở nên dễ dàng, không sợ thất lạc, hư hỏng do được thực hiện ở dạng điện tử, giao dịch trực tuyến cũng giúp bảo đảm an toàn hơn cho người dân khi thực hiện thanh toán các loại phí/lệ phí của các TTHC trong lĩnh vực đất đai.

Trong khi đó, trước đây, Cổng DVC của tỉnh chỉ triển khai tích hợp Cổng thanh toán của VNPAY, dẫn đến người dân, doanh nghiệp (DN) không có nhiều sự lựa chọn để thanh toán trực tuyến khi nộp hồ sơ trên Cổng DVC của tỉnh. Nhằm đa dạng giải pháp thanh toán để người dân và DN có nhiều sự lựa chọn, tỉnh triển khai cổng trung gian thanh toán quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến kết nối Cổng DVC của tỉnh với Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) qua nền tảng LGSP của tỉnh nhằm giải quyết bài toán đa dạng các lựa chọn thanh toán trực tuyến cho người dân. Từ khi triển khai kết nối PayGov, người dân, DN có thêm nhiều lựa chọn trong bước thanh toán trực tuyến khi nộp hồ sơ DVC trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, năm 2022, tỉnh xác định chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, đề ra mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa hoạt động của người dân,

DN trên địa bàn tỉnh lên môi trường số. Sáng kiến về Xây dựng Nền tảng công dân số, Long An Số thúc đẩy phát triển xã hội số, nâng cao hiệu quả hoạt động CCHC của tỉnh được hình thành và triển khai, thực hiện. Ngày 26/4/2022, ứng dụng Long An Số chính thức khai trương, người dùng có thể cài đặt ứng dụng từ 2 kho ứng dụng App Store và Google Play. Với ứng dụng này, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ số thiết yếu như phản ánh, kiến nghị với chính quyền; DVC trực tuyến; dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục; dịch vụ việc làm; tra cứu thửa đất; kết nối sàn thương mại điện tử; danh bạ khẩn cấp cùng nhiều dịch vụ số thiết yếu khác phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân trên môi trường số. Đến cuối năm 2022, ứng dụng Long An Số đã có 18.900 lượt cài đặt. Ứng dụng Long An Số được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề xây dựng công dân số, làm hạt nhân cho nền tảng xã hội số của tỉnh trong thời gian tới.

Cải cách hành chính góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt rất cao

Thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh, bên cạnh các sáng kiến hữu ích, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được tỉnh triển khai sâu, rộng, tập trung vào việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2023 đến tháng 3/2023, tỷ lệ hài lòng của người dân và DN đối với việc giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt rất cao. Theo đó, trong quá trình giải quyết các TTHC, các cơ quan nhận được 449 lượt đánh giá, trong đó, có 448 lượt ý kiến đánh giá hài lòng; danh mục TTHC và quy trình nội bộ giải quyết TTHC các lĩnh vực được cập nhật, công bố công khai đạt 100%; hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt trên 99%.

Ngoài ra, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức gặp gỡ người dân và DN, sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định TTHC. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận và chuyển xử lý theo quy định 156 phản ánh, kiến nghị, trong đó, có 153 phản ánh, kiến nghị được giải quyết và công khai kết quả trên Cổng DVC Quốc gia, 3 phản ánh, kiến nghị đang được chuyển xử lý. Từ đó, góp phần giúp chính quyền các cấp cải thiện công tác quản trị, hành chính công, hướng tới nâng cao sự hài lòng của người dân, DN, góp phần minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện của người thi hành công vụ. Đồng thời, hiệu quả từ công tác CCHC còn góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Để công tác CCHC phát huy hiệu quả, năm 2023, các cấp, các ngành trong tỉnh cần bám sát sự lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch CCHC nhà nước gắn với phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai các chủ trương, biện pháp duy trì, cải thiện chỉ số và nâng cao chỉ số CCHC; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh và chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; rà soát, đơn giản hóa TTHC; kịp thời cập nhật, công bố, công khai đầy đủ các quy định về TTHC gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước" - thông tin từ Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh./.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm TTHC, năm 2022, các sở, ngành, UBND cấp huyện được giao chủ trì rà soát, đánh giá TTHC tích cực, chủ động phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tập trung tổ chức rà soát, hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.

Nội dung các phương án, sáng kiến đơn giản hóa TTHC cơ bản bảo đảm được yêu cầu về chất lượng, tính khả thi, tập trung vào những nội dung như kiến nghị cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC.

Qua rà soát, tỉnh Long An có 42 phương án đơn giản hóa TTHC đối với 42 thủ tục thuộc 20 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành tỉnh. Sau rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC là 221 ngày/847 ngày, tỷ lệ cắt giảm thời gian đạt 26,09% và đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ của 7 TTHC, chi phí tiết kiệm ước tính được sau khi đơn giản hóa TTHC đạt trên 8,6 triệu đồng, tỷ lệ cắt giảm đơn giản hóa TTHC đạt 5,48%.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cai-cach-hanh-chinh-gop-phan-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-a153536.html