Cải cách hành chính: Hiệu quả từ thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU tại Gia Lâm

Triển khai thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, hai nhiệm vụ trọng tâm nhằm ngày càng tăng sự hài lòng của người dân được huyện Gia Lâm xác định chính là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đến nay đã đạt kết quả tích cực.

Công chức bộ phận Một cửa UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Công chức bộ phận Một cửa UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Giảm bớt thủ tục hành chính

Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lưu Thị Ngọc Yến cho biết, huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết TTHC, xây dựng quy trình giải quyết TTHC và đẩy mạnh triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 với những TTHC có nhiều hồ sơ. Qua đó, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho người dân khi giải quyết TTHC. Đặc biệt, chú trọng niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại cơ quan, người có thẩm quyền của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thư điện tử, website tại bộ phận “một cửa” (BPMC), trên Cổng TTĐT huyện. Trong 316 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện và 152 TTHC cấp xã, qua rà soát các phòng, ngành đã thực hiện đơn giản hóa được 35 TTHC cấp huyện và tại các xã, căn cứ thực tế, đơn giản hóa được 23 TTHC, chủ yếu là rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, từ huyện đến xã không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC. Tại BPMC huyện và 17/22 xã, thị trấn nghiêm túc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính sáng thứ Bảy hằng tuần. Kết quả từ 2016 đến nay, cấp huyện giải quyết 45.555 hồ sơ, trong đó 99,75% hồ sơ đúng hạn; cấp xã 484.888 hồ sơ, 99,92% đúng hạn. Đồng thời, huyện tổ chức thực hiện tốt thí điểm DVCTT mức 3, 4 với các TTHC về tư pháp, văn hóa, tài chính, nội vụ, quản lý đô thị cấp huyện. Hiện trên địa bàn có 99 TTHC cấp huyện, cấp xã thực hiện theo DVCTT mức 3, 4; trong đó đáng chú ý cấp xã có 30 TTHC, giải quyết trực tuyến đạt 94,12%.

Phân công rõ người, rõ việc

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân, để ngày càng nâng cao sự hài lòng của người dân, bên cạnh đơn giản hóa giải quyết TTHC, kết quả CCHC đạt được thế nào và duy trì được không, đều bắt nguồn từ các cơ quan chuyên môn từ huyện đến các xã, thị trấn, mà trực tiếp là đội ngũ CBCC tại đó. Xuất phát từ quan điểm rõ ràng ấy, huyện đã sớm xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020” với 18 nhiệm vụ, 5 lĩnh vực chính.

Kết quả 4 năm, huyện đã mở 426 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 70.387 lượt CBCCVC và cử CBCC theo học các lớp của TP, cơ sở. Từ năm 2016, huyện chủ động triển khai đánh giá hằng quý với CBCCVC các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp, UBND xã, thị trấn; năm 2018 triển khai xếp loại hằng quý với CBCCVC, người lao động trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội; từ tháng 7/2018 triển khai đánh giá hằng tháng với CBCCVC, lao động hợp đồng theo quy định của TP. 100% cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn duy trì nâng cao chất lượng xây dựng chương trình công tác rõ nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành đăng trên Cổng TTĐT huyện. Từ 2016 đến nay, các cơ quan cũng xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ theo “5 rõ”.

Đây là những cơ sở quan trọng để kỷ cương hành chính, trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của CBCCVC được nâng cao; chức năng nhiệm vụ các cơ quan hành chính khắc phục được sự chồng chéo. Với kết quả nổi bật nhất là trong cải cách TTHC và nâng cao chất lượng đội ngũ, chỉ số CCHC của Gia Lâm 3 năm 2016 - 2018 luôn đứng đầu khối huyện, thị xã. Dù vậy, ông Lê Anh Quân nhận định, công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát ở một số đơn vị chưa thường xuyên; nhất là số TTHC được cung cấp DVCTT mức 3, 4 còn hạn chế, người dân giao dịch trực tuyến vẫn phải có hỗ trợ của CBCC.

Cùng với khắc phục hạn chế này, lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, kiểm soát TTHC với các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, kịp xử lý kiến nghị của người dân, đồng thời chuẩn hóa quy trình giải quyết TTHC tại BPMC các cấp theo hướng rõ thời gian, trách nhiệm và tăng giám sát bảo đảm giải quyết hồ sơ đúng hạn.

Thạc sĩ Phùng Thị Ngọc Loan

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-cach-hanh-chinh-hieu-qua-tu-thuc-hien-chuong-trinh-08-ctrtu-tai-gia-lam-381483.html