Cải cách hay là chết?

Đây là câu hỏi PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đặt ra tại phiên họp chuyên đề về đẩy mạnh tự chủ trong giáo dục ĐH, do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức.

Vấn đề tự chủ ĐH vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Quan trọng nhất là yếu tố con người

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai, PGS TS Đỗ Văn Dũng nhận định tất cả các cải cách sẽ dẫn đến sự chống đối ở một bộ phận cán bộ, viên chức nhưng không vì thế mà nhụt chí và từ bỏ cải cách. Tốc độ cải cách cần phải điều chỉnh theo thời gian và tình huống.

Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất, đảm bảo sự thành công của cải cách. Phải tạo ra sự đồng thuận không những trong trường mà phải ở các bên liên quan. Mặt khác, truyền thông cần đi trước để thay đổi tư duy và tận dụng mọi nguồn lực cho cải cách.

“Cải cách giáo dục ĐH để thích ứng với yêu cầu về đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số. Đây là việc làm cấp bách nhưng rất khó khăn, chủ yếu vì tư duy của con người. Công cuộc cải cách là một quá trình, không phải một đích đến nhất thời”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.

Từ góc độ người trong cuộc, TS Lê Trường Tùng- Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng khi nói đến tự chủ phải quan tâm đến 3 đối tượng người học, các trường, cơ quan quản lý. Trong đó, quan trọng nhất là người học, tức tự chủ thì người học được lợi gì.

Tuy nhiên, những vấn đề này lại chưa được làm rõ. Tự chủ là khái niệm rộng, làm thế nào để hiểu chính xác, thống nhất là qua trọng. Tự chủ không cẩn thận hiểu là tự trị. Tự chủ cũng không phải tự túc, tự lo. Nhà nước phải cấp ngân sách, vẫn phải hỗ trợ trường tư dưới dạng hỗ trợ thuế, đất; hỗ trợ trường công dạng đầu tư ban đầu.

TS Tùng cũng dẫn chứng tại các trường ĐH ở Anh, ÚC, Mỹ có nguồn thu rất lớn nhưng chính phủ các nước này vẫn hỗ trợ các trường vì nó mang lại lợi ích công, mang lại nguồn nhân lực chất lượng cao có lợi cho quốc gia.

Chia sẻ quan điểm này, ThS Đoàn Xuân Quang, Trường ĐH Luật TP HCM cho rằng tự chủ không có nghĩa là tự do, tự lo mà ngược lại, cơ sở giáo dục được gỡ các “nút thắt” trong các quy định pháp luật giáo dục ĐH trước đây, được tự do trong mọi hoạt động và trong khuôn khổ các quy định pháp luật có liên quan.

Gỡ khó “luật chồng luật”

Từ khi có Nghị quyết 77 của Chính phủ, nhất là từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật này, vấn đề tự chủ ĐH đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc.

Là trường công lập tự chủ trực thuộc Bộ Tài chính, TS Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng hiện các luật mang lại nhiều cơ hội cho các trường tự chủ từ xây dựng bộ máy, tuyển dụng con người, cởi trói gần như toàn bộ.

Về học thuật, Bộ GDĐT cũng cởi trói rất nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế gặp nhiều quy định chồng chéo, nhiều nút thắt được mở nhưng lại gặp vấn đề là con người. Chẳng hạn như các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

ThS Đoàn Xuân Quang cũng chỉ ra vẫn còn sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật, trong mỗi lĩnh vực hoạt động, các trường ĐH chịu sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật khác nhau. Như trong việc thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản, tự chủ về tổ chức và nhân sự.

Chưa làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục ĐH đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập. Điều này tác động đến hoạt động tự chủ về nhân sự và tổ chức, xác định định hướng phát triển của cơ sở giáo dục ĐH trong tương lai.

Đồng thời, còn liên quan mật thiết đến việc thực hiện quyền tự chủ ở các lĩnh vực, các nội dung khác trong quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Các cơ quan nhà nước cần sớm có các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn rõ nội dung này.

Một ví dụ khác của việc vướng luật đó là hiện nay Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai chủ trương xây dựng trường học thông minh, sử dụng các nền tảng công nghệ chủ yếu trong giảng dạy và học tập. Đồng thời, cũng luôn cập nhật tiến bộ của công nghệ.

Tuy nhiên, băn khoăn hiện nay là nếu đưa công nghệ vào đào tạo là chủ yếu sẽ phá vỡ quy định dạy trực tuyến không được quá 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình theo quy định của Bộ GDĐT. Một băn khoăn nữa là khi đưa doanh nghiệp đào tạo thì họ không có trình độ đào tạo.

Mặc dù đã lường trước rất nhiều những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải trong quá trình các trường thực hiện tự chủ ĐH nhưng chắc chắn những văn bản hướng dẫn, nghị định đã ban hành… vẫn chưa thể bao quát hết.

Quá trình triển khai thực tế chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều “nút thắt” khác cần phải gỡ nhưng nếu không bắt tay vào thực hiện thì không thể có thành công. Đó là quan điểm của TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT.

TS Lê Ngọc Sơn, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cũng đề xuất các cơ quan chức năng nên có đội tư vấn để kịp thời xử lý vướng mắc ở các trường. “Thay vì siết chặt quy định, nên để các trường ĐH thực hiện tự chủ ở mức độ bảo đảm và nên có hướng dẫn kịp thời, vì trong luật có những điểm “mờ” khi trường triển khai rất bối rối”, TS Sơn kiến nghị.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cai-cach-hay-la-chet-524560.html