Cải cách hiến pháp Thái Lan đề cập đến lĩnh vực nào?

Liên minh do Đảng Tiến bước (MFP) dẫn đầu sau cuộc bầu cử ở Thái Lan vừa qua đã nhất trí về một loạt cải cách hiến pháp về tư pháp, quân đội, chống độc quyền.

Các đảng đối lập Move Forward và Pheu Thai giành đa số ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan tuần trước đang tìm cách thành lập một chính phủ liên minh với 6 đảng khác.

Tờ Bangkok Post đưa tin ngày 22/5, tất cả các đảng đều đã ký thỏa thuận về lộ trình cải cách hiến pháp Thái Lan đầy tham vọng. Đây sẽ là hướng dẫn cho các chính sách của chính phủ liên minh tương lai.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Đảng MFP, cho biết kế hoạch cải cách hiến pháp sẽ không ảnh hưởng đến chế độ quân chủ lập hiến của Thái Lan. Một số nguồn tin cho hay các đảng trong liên minh đã thuyết phục MFP thêm vào thỏa thuận phần bảo vệ hoàng gia.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Đảng MFP, tại cuộc họp báo ngày 18/5 ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo của Đảng MFP, tại cuộc họp báo ngày 18/5 ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Trong giai đoạn tranh cử, MFP đã đề ra chương trình hành động gây tranh cãi, trong đó bao gồm cải cách luật chống khi quân, hay còn gọi là điều 112 trong luật hình sự. Luật này trừng phạt những lời chỉ trích, xúc phạm tới nhà vua và các thành viên của hoàng gia, làm suy yếu chế độ quân chủ.

Hầu hết các chính sách hàng đầu của MFP đều được các đảng ủng hộ, chẳng hạn như thúc đẩy phân cấp quyền lực và ngân sách cũng như "hủy bỏ độc quyền và hỗ trợ cạnh tranh công bằng trong thương mại ở tất cả các ngành".

Ngoài ra, các bên thống nhất cần "cải cách hệ thống công vụ, công an, quân đội, tư pháp theo nguyên tắc dân chủ, minh bạch, hiện đại, hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của nhân dân", đồng thời kêu gọi cấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Chính phủ liên minh cũng muốn cải cách phúc lợi và giáo dục, chính sách đối ngoại cân bằng và kiểm soát việc sử dụng cần sa đã được hợp pháp hóa vào năm ngoái, cho phép hôn nhân đồng giới.

Về kinh tế, các bên khẳng định sẽ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ ngành công nghiệp và tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm Thái Lan trên thị trường quốc tế, cũng như loại bỏ độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong tất cả các lĩnh vực, như công nghiệp sản xuất đồ uống có cồn.

Về đối ngoại, các đảng trong liên minh ủng hộ thực hiện các chính sách duy trì quan hệ quốc tế cân bằng giữa Thái Lan với các cường quốc.

Ông Pita đang là ứng viên sáng giá cho chức thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông và MFP phải giành được sự đa số ủng hộ từ Hạ viện và Thượng viện Thái Lan. Liên minh do MFP dẫn đầu hiện đang nắm 313 ghế Hạ viện nhưng họ cần sự ủng hộ của 376 ghế của lưỡng viện.

Thách thức của ông Pita là vận động sự ủng hộ của 250 thành viên của Thượng viện vốn do phía quân đội chỉ định và hậu thuẫn.

Thảo Nguyên (Theo Bangkok Post)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/the-gioi/cai-cach-hien-phap-thai-lan-de-cap-den-linh-vuc-nao-1858620.html