Cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cải cách thể chế kinh tế là yêu cầu quan trọng hàng đầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ra đời, phát triển cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít vấn đề đặt ra cần khắc phục trong thời gian tới. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu về vấn đề này.

Cải cách thể chế kinh tế là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Sản xuất hàng điện máy tại Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

- Thể chế có vai trò thế nào với sự phát triển doanh nghiệp, thưa ông?

- Thực tiễn cho thấy, nếu chất lượng thể chế kinh tế không tốt sẽ có nguy cơ tạo ra tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, suy giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là làm gia tăng chi phí; tạo thêm rủi ro; hạn chế sáng tạo, năng động; hạn chế hoặc làm méo mó cạnh tranh.

Doanh nghiệp gặp khó khăn có nghĩa nền kinh tế thiếu điều kiện đầu vào để tạo ra tăng trưởng. Nói cách khác, nó tác động xấu đến việc huy động nguồn lực, hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực, giảm năng lực cạnh tranh, năng suất và suy giảm tăng trưởng.

- Ông nhận định gì về kết quả cải cách thể chế kinh tế thời gian qua?

- Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chương trình cải cách thể chế kinh tế; đặc biệt là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tế, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có nhiều cải thiện, được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Trong đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu về năng lực cạnh tranh (GCI). Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm xuống còn 34% năm 2019 so với tỷ lệ 42% năm 2018.

- Vậy theo ông, có thể hài lòng về kết quả cải cách thể chế kinh tế?

- Theo tôi, những kết quả trên chưa thỏa mãn mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội nói chung; chất lượng cải cách thể chế còn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chất lượng môi trường kinh doanh tuy cải thiện nhưng còn ít và chậm. Có thể nói, hiện thực hóa việc đưa nước ta vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN vẫn là một thách thức.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã nêu rõ, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ; môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều tiến bộ...

- Để nâng cao chất lượng cải cách thể chế kinh tế, theo ông cần có định hướng và giải pháp gì?

- Tôi cho rằng, việc xây dựng một hệ thống thể chế có chất lượng, để đứng vào nhóm nước dẫn đầu khu vực vẫn còn nhiều thách thức. Xin nêu một số kiến nghị về cải cách thể chế nhằm góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 như sau: Trước hết, tiếp tục coi hoàn thiện thể chế là một trụ cột quan trọng nhất trong các đột phá chiến lược.

Thứ hai, nên thay yêu cầu “hoàn thiện và nâng cao chất lượng” thể chế bằng yêu cầu “xây dựng hệ thống thể chế chất lượng cao”. Thay đổi này thể hiện yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn, nhằm loại bỏ những thể chế không còn phù hợp; xây dựng thể chế mới theo yêu cầu phát triển mới. Đồng thời, tư duy xây dựng hệ thống thể chế mới phải dựa trên nguyên tắc mới là thay “quản lý” bằng “thúc đẩy” sự phát triển, tăng năng suất. Đồng thời, cần bảo đảm năng lực phản ứng chính sách nhanh, kịp thời.

Thứ ba, cần xác định rõ các đặc điểm của một thể chế tốt. Ít nhất cần xác định các tiêu chí theo nguyên tắc thị trường, tức là phải khuyến khích được cạnh tranh và bảo đảm tiếp cận nguồn lực, phân bổ nguồn lực và huy động nguồn lực theo nguyên tắc thị trường; doanh nghiệp được quyền tự quyết định sản xuất cái gì và quy mô đến đâu.

Thể chế phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập, rút lui khỏi thị trường và cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; không tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, phù hợp với thực tiễn.

- Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/978725/cai-cach-the-che-ho-tro-doanh-nghiep-phat-trien