Cải cách thủ tục hành chính - bước đột phá để hội nhập

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) tại hệ thống cửa khẩu đất liền và cửa khẩu cảng được coi là điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ của BĐBP. Theo đó, BĐBP là đơn vị duy nhất của quân đội tham gia triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia và Bộ Quốc phòng là 1 trong 9 Bộ kết nối Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN. BĐBP cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ, góp phần thúc đẩy hoàn thành kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp BĐBP làm tốt công tác kiểm soát xuất nhập cảnh trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: CTV

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp BĐBP làm tốt công tác kiểm soát xuất nhập cảnh trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: CTV

Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, kiểm soát XNC tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý, có thể nói, CCTTHC trong lĩnh vực kiểm soát XNC của BĐBP trên các tuyến biên giới nói chung và tại các cửa khẩu nói riêng là rất đáng ghi nhận.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, tốc độ xử lý cao, có khả năng kết nối trung tâm xử lý dữ liệu chuyên ngành cửa khẩu giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với các bộ, ngành có liên quan đã tạo nhiều đột phá, giúp cho việc chia sẻ dữ liệu liên quan đến công tác XNC luôn được đồng bộ, thống nhất.

Hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung đầu tư, triển khai hiệu quả trung tâm quản lý XNC tại 25 cửa khẩu quốc tế; 29 đường truyền dữ liệu tốc độ cao; 130 hộp thư điện tử; trang bị hơn 3.000 loại trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đồng bộ cho các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu cảng trọng điểm.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng, nhất là lực lượng làm nhiệm vụ công tác cửa khẩu đổi mới và cải cách triệt để về phương pháp, lề lối, tác phong công tác, nâng cao văn hóa ứng xử giao tiếp, làm việc trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát XNC tại cửa khẩu. Chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng sử dụng trang bị kỹ thuật, quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý vụ việc cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại cửa khẩu.

Đặc biệt, tại tuyến biên giới đất liền, Bộ Tư lệnh BĐBP đã áp dụng các mô hình, cách làm hết sức sáng tạo và hiệu quả trong CCTTHC tại hệ thống các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính. Năm 2015, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ phối hợp với Chính phủ Lào triển khai mô hình "Một cửa, một điểm dừng" tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam) - Đen Sa Vẳn (Lào) theo Hiệp định EMS.

Theo quy định, người và phương tiện chỉ dừng 1 địa điểm tại cửa khẩu hai bên, rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 3 phút cho một hành khách xuống còn dưới 1 phút. Mô hình được đánh giá là bước đột phá thành công về CCTTHC, góp phần thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và hội nhập toàn diện trong khu vực các quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông.

Tiếp đó, BĐBP đã nghiên cứu ứng dụng Cổng kiểm soát XNC tự động gắn với hệ thống camera giám sát tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Hệ thống được tích hợp những công nghệ hiện đại như nhận dạng sinh trắc học bằng vân tay và hình ảnh, tự động hóa các bước trong quy trình thực hiện thủ tục XNC. Thời gian làm thủ tục cho một hành khách từ 30 giây giảm xuống chỉ còn 7-12 giây, vừa lưu trữ được dữ liệu, hình ảnh của hành khách phục vụ công tác nghiệp vụ, tạo được hình ảnh hiện đại của cửa khẩu.

Hiện, mô hình này đang được tiến hành triển khai mở rộng tại 17 đơn vị cửa khẩu trọng điểm. Tại các cửa khẩu đường bộ, BĐBP đã bỏ tờ khai XNC tại 24 cửa khẩu quốc tế, thời gian làm thủ tục của một khách từ 5 phút xuống còn 1 phút và đối với phương tiện giảm từ 45 phút xuống còn 5 phút.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng đã triển khai kiểm soát mã vạch đối với Giấy thông hành cư dân biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, người dân đăng ký thông tin nhân thân vào hệ thống của BĐBP, hệ thống sẽ mã hóa dưới dạng mã vạch và được dán lên Giấy thông hành. Cán bộ sử dụng đầu đọc mã vạch để đọc thông tin của khách và nhập vào phần mềm kiểm soát XNC, thực hiện 10 ngày kiểm chứng một lần. Nhờ đó, rút ngắn thời gian từ 1 phút xuống còn 15 - 20 giây/người, không bị sai sót khi nhập dữ liệu.

Việc thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử là bước đột phá quan trọng trong thực hiện CCTTHC của BĐBP. Với quy trình thực hiện đơn giản, phần mềm dễ sử dụng và các tính năng thuận tiện, Cổng thông tin thủ tục Biên phòng điện tử kết nối với Cổng thông tin một cửa Quốc gia đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi chủ trương đẩy mạnh CCTTHC của Chính phủ. Từ những đột phá trong CCTTHC gắn với ứng dụng công nghệ thông tin đã thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư đến Việt Nam, được chính quyền và nhân dân các tỉnh biên giới ủng hộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh - quốc phòng của đất nước.

Đại tá Đỗ Ngọc Toàn, Cục trưởng Cục Cửa khẩu BĐBP cho biết: Công tác CCTTHC tại hệ thống cửa khẩu đất liền và cửa khẩu cảng là điểm sáng của BĐBP. Trong đó, thủ tục Biên phòng điện tử được áp dụng tại 7 cảng biển trong cả nước. Khi áp dụng thủ tục này, người làm thủ tục cần phải gửi tờ khai 8 giờ trước khi tàu cập cảng, còn đơn vị BĐBP cửa khẩu sẽ phải trả kết quả trong vòng 1 giờ sau khi nhận được khai báo.

Như vậy, trước khi tàu cập cảng, tất cả các thủ tục đã hoàn thành và sẽ tiết kiệm được từ 7 đến 10 giờ đồng hồ so với thời gian làm thủ tục trước đây. Đây là con số có ý nghĩa đối với tàu chở hàng bởi tiết kiệm thời gian tức là giúp chủ tàu tiết kiệm được chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, hao mòn máy móc, phương tiện...

Thủ tục Biên phòng điện tử còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, tránh ách tắc, lãng phí cho cả tàu lẫn hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng khai thác hiệu quả năng lực cảng biển phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Trước đây, thủ tục cho 1 chuyến tàu đến, rời cảng theo phương thức thủ công mất từ 3 đến 5 giờ khai báo chờ hoàn thành thủ tục biên phòng thì hiện nay, người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả tại bất kỳ địa điểm nào có Internet, cùng một lúc có thể thực hiện cho nhiều tàu và quy trình được hoàn thành trước khi tàu đến cảng, rời cảng. Hiện, đã có gần 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử, 100% hãng tàu, chủ tàu đã tiến hành kê khai thủ tục trên hệ thống mạng điện tử quốc gia. Tổng số tàu, thuyền XNC, quá cảnh là 74.023 lượt, tổng số người XNC là trên 3 triệu lượt. Tại các tuyến cửa khẩu, cảng biển, BĐBP đã tham mưu cho các cơ quan chức năng bãi bỏ 15 thủ tục hành chính không còn phù hợp, giảm từ 9 loại giấy tờ cho một người làm thủ tục XNC xuống còn 5 loại giấy tờ.

Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-buoc-dot-pha-de-hoi-nhap-post437615.html