Cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành: Chú trọng hậu kiểm

Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đã có chuyển biến tích cực, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra giảm mạnh

Đánh giá về công tác cải cách hoạt động KTCN theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động XNK, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ đã cắt giảm danh mục dòng hàng, thủ tục KTCN, đơn giản hóa thủ tục hải quan, phân định tập trung một đầu mối KTCN, giảm chồng chéo, phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.

Thời gian KTCN đã được rút ngắn, từ trung bình 7 ngày xuống còn 1 đến 3 ngày

Thời gian KTCN đã được rút ngắn, từ trung bình 7 ngày xuống còn 1 đến 3 ngày

Cùng với việc giảm số lượng mặt hàng phải KTCN, 5 năm qua (2015-2019), các bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực để cải cách thủ tục hành chính liên quan đến KTCN. Trong đó, điểm sáng là chuyển hoạt động KTCN từ trước sang giai đoạn sau thông quan, chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm. Đặc biệt, nhờ sự phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan, đã khắc phục được tình trạng một mặt hàng nhiều cơ quan cùng kiểm tra, qua nhiều bước. Do đó, thời gian KTCN đã được rút ngắn, từ trung bình 7 ngày xuống còn 1-3 ngày. Cụ thể, tỷ lệ tờ khai KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu (NK)/tổng số tờ khai trong các năm 2015-2018 lần lượt là 25,93%; 23,24%; 20,36%; 20,19%.

Riêng Bộ Công Thương – Đơn vị quản lý nhiều dòng hàng phải thực hiện KTCN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách KTCN. Từ tháng 3/2019, Bộ đã ban hành Quyết định số 765/QĐ-BCT công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Quyết định không chỉ tạo điểm nhấn quan trọng, tác động tích cực mà còn tạo niềm tin của người dân và DN vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.

Vì lợi ích người dân, doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, tùy từng trường hợp cụ thể, hàng hóa XNK để được thông quan phải xuất trình các chứng từ liên quan, như: Giấy phép, chứng từ KTCN... Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết cơ quan KTCN không có lực lượng kiểm tra tại cửa khẩu. Điều này khiến DN muốn có chứng từ KTCN phải qua nhiều cơ quan. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ, đến hết năm 2019 phải cắt giảm 50% số mặt hàng XNK phải KTCN, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến tháng 12/2019, số mặt hàng được cắt giảm là hơn 12.000, từ gần 82.700 mặt hàng xuống còn khoảng 70.000, như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hơn nữa, hiện có 8.129 dòng hàng phải KTCN gồm cả trước và sau thông quan, trong đó, Cơ quan Hải quan đã xác định được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với 7.306 dòng hàng, còn 823 dòng hàng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể hoặc lĩnh vực đặc thù. Đặc biệt, qua công tác phối hợp rà soát với các bộ, ngành cho thấy, hiện vẫn còn 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong KTCN, tức là cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý/KTCN.

Để khắc phục những hạn chế trên, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, phải thống nhất một cơ quan là đầu mối KTCN, cụ thể là Tổng cục Hải quan, còn các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp, nhằm tránh tình trạng hàng hóa ách tắc ở cửa khẩu do quá nhiều cơ quan kiểm tra, gây tốn kém cho người dân, DN.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các dòng hàng, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ giữa các cơ quan trong kiểm tra hàng hóa, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc không bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong KTCN, song vẫn kiểm tra được chất lượng hàng hóa, tạo điều kiện cho DN trong hoạt động XNK.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:

Trong cải cách thủ tục KTCN, cần tuân thủ nguyên tắc không bỏ qua vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, song phải tạo thuận lợi nhất cho DN, góp phần giảm chi phí, giá thành sản phẩm.

Hoàng Duân

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-thu-tuc-kiem-tra-chuyen-nganh-chu-trong-hau-kiem-133423.html