Cải cách tiền lương: Hướng đến công bằng, hài hòa lợi ích các bên

BHXH Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách tiền lương mới (từ ngày 1/7) nhằm hướng đến sự công bằng về tiền lương giữa những người thụ hưởng.

Theo đó, kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng thiết kế các chính sách liên quan bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Theo BHXH Việt Nam, hiện tiền lương bình quân tháng đóng BHXH làm căn cứ hưởng lương hưu giữa nhóm lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và người sử dụng lao động (doanh nghiệp) quyết định đang có khoảng cách nhất định.

Chính sách tiền lương mới nhằm hướng đến công bằng, hài hòa lợi ích các bên. (Ảnh minh họa)

Tính đến hết năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm lực lượng vũ trang) đang tham gia BHXH bắt buộc.

Trong số này, 80% hưởng lương từ ngân sách nhà nước, còn 20% hưởng lương tại các đơn vị tự chủ một phần hoặc tự chủ toàn bộ. Tiền lương bình quân tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động thuộc nhóm này là 6,936 triệu đồng.

Tại khối doanh nghiệp, hợp tác xã, cả nước có hơn 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Tiền lương bình quân tháng đóng BHXH của người lao động khối này là hơn 6,382 triệu đồng. Như vậy, người lao động làm việc giữa hai khối có mức chênh lệch về tiền lương bình quân đóng BHXH khoảng 9%.

Mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH của hai khối có sự khác nhau vì khu vực Nhà nước áp dụng theo lương cơ sở, căn cứ theo ngạch, bậc, tăng theo thâm niên; khu vực doanh nghiệp áp dụng theo lương tối thiểu vùng, chủ yếu được tính theo năng suất lao động…

Điều đáng quan tâm là theo các quy định hiện hành, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, khi hết tuổi lao động, tiền lương hưu của họ được tính theo mức đóng BHXH những năm cuối trước khi nghỉ hưu, còn người lao động khu vực doanh nghiệp căn cứ theo mức đóng của toàn bộ thời gian làm việc.

Đây cũng là yếu tố dẫn đến sự chênh lệch về mức lương hưu bình quân của người thụ hưởng giữa hai khu vực.

Theo thống kê, cả nước có 3,28 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng (1,05 triệu người hưởng từ nguồn ngân sách nhà nước; 2,23 triệu người hưởng từ nguồn Quỹ BHXH).

Nhằm bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu từ năm 1995 đến hết 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu và lần tăng tiếp theo là vào ngày 1/7.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995. Hiện, người hưởng lương hưu từ Quỹ BHXH có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Người có lương hưu cao nhất là ông P.P.N.T. ở TPHCM với số tiền khoảng 140 triệu đồng/tháng. Số tiền lương hưu hàng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay 1,8 triệu đồng, trừ người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, từ ngày 1/7 người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ hưởng mức tiền lương mới, dự kiến cao hơn hiện nay.

Điều này đồng nghĩa, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH cũng sẽ tăng lên (dự kiến tăng khoảng 54,89%). Chiếu theo các quy định hiện hành, những người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài sẽ có cơ hội hưởng lương hưu càng cao.

Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến sự chênh lệch không nhỏ về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới, giữa khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước…

Vì vậy, BHXH Việt Nam đề xuất sửa đổi quy định về cách tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH.

Đó là từ ngày 1/7, mức bình quân tiền lương đóng BHXH làm căn cứ để tính lương hưu, trợ cấp BHXH theo quy định hiện hành áp dụng đối với người lao động khu vực Nhà nước trước thời điểm ngày 1/7.

Thời gian đóng BHXH từ ngày 1/7 trở đi sẽ tính bình quân toàn bộ thời gian đóng.

Về mức lương hưu, trợ cấp BHXH của năm 2024, BHXH Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH khoảng 8% từ ngày 1/7.

BHXH Việt Nam khẳng định, đề xuất nhằm bảo đảm sự cân đối về mức hưởng giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương, giữa người nghỉ hưu khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Đó cũng là giải pháp nhằm bảo đảm cân đối khả năng thu, chi Quỹ Hưu trí và tử tuất, hướng tới sự công bằng về tiền lương.

Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, hệ thống hưu trí ở Việt Nam tương đối phát triển nhưng mới thực hiện theo hệ thống đơn tầng, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống hưu trí có đóng góp (người dân cần tham gia BHXH) nên vẫn còn những hạn chế nhất định.

Để chính sách hưu trí bao phủ số đông dân số là người cao tuổi, Việt Nam cần xóa bỏ những rào cản, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người dân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra, thiết kế của hệ thống hưu trí đa tầng thể hiện rõ tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2024, có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2025.

Minh Vũ

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/tien-luong-tien-cong/cai-cach-tien-luong-huong-den-cong-bang-hai-hoa-loi-ich-cac-ben-20240311213903583.htm