Cải cách tiền lương mới, cử tri cả nước băn khoăn lương tăng, giá cũng tăng: Bộ Nội vụ nói gì?

Liên quan tới việc áp dụng chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024, cử tri cả nước đã gửi nhiều kiến nghị. Về việc này, Bộ Nội vụ đã có giải đáp cụ thể.

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Nội dung kiến nghị như sau: “Đề nghị Bộ Nội vụ sớm có văn bản hướng dẫn bảng lương theo vị trí việc làm áp dụng từ 01/7/2024, để người lao động trong khối hành chính sự nghiệp nhà nước được biết và yên tâm công tác”.

Bộ Nội vụ trả lời như sau: Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới.

Trong đó, có nội dung kiến nghị của cử tri trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024.

Bộ Nội vụ đang đưa ra nhiều giải đáp kiến nghị của cử tri liên quan đến cải cách tiền lương - Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến chính sách khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: Thái Bình, Tây Ninh, Bình Dương, Vĩnh Long do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 840/VPCP-QHĐP ngày 02/02/2024 (gửi kèm theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh việc điều chỉnh tăng lương chưa kết hợp chặt chẽ với việc kiểm soát giá cả thị trường dẫn đến tình trạng khi chính sách tiền lương vừa được thông qua và chưa có hiệu lực thi hành thì giá cả các mặt hàng tiêu dùng đã tăng.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... để việc tăng lương bảo đảm mục đích, ý nghĩa nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cử tri đề nghị Chính phủ khi điều chỉnh chính sách tiền lương cần phải tính đến việc bảo đảm quyền lợi cho những đối tượng đang có phụ cấp”.

Về vấn đề này Bộ Nội vụ trả lời như sau: Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024 và Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì từ ngày 01/7/2024 thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.

Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có nội dung về thang, bậc lương, phụ cấp lương như ý kiến cử tri nêu) đối với cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII để khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương hiện nay, nhằm cải thiện đời sống của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương mặt khác.

Theo chức năng được Chính phủ phân công, các cơ quan liên quan sẽ trình Chính phủ triển khai đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bộ Nội vụ cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Nội dung kiến nghị như sau: “Trước tình trạng công chức, viên chức Nhà nước thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong thời gian gần đây, cử tri tiếp tục kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo hướng điều chỉnh tăng bậc lương, hệ số lương cho phù hợp với thực tiễn hiện nay".

Đồng thời, cử tri kiến nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau: Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024 Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024.

Trong quá trình chuẩn bị cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của cử tri để hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Giang do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 18, Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ, quy định về tiếp nhận công chức theo hướng: Đối với công chức cấp xã, viên chức là giáo viên có thời gian làm công chức, viên chức từ đủ 36 tháng trở lên thì được xem xét tiếp nhận vào làm công chức tại cơ quan Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh từ cấp huyện trở lên có chế độ cho đối tượng là thanh niên tình nguyện.

Bộ Nội vụ trả lời như sau: Thực hiện chủ trương liên thông trong công tác cán bộ, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2020/NĐ-CP1. Theo đó, Điều 18 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện trở lên.

Về thời gian công tác để thực hiện việc tiếp nhận được quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (năm 2019), theo đó quy định đối tượng tiếp nhận phải có thời gian công tác tối thiểu là 05 năm (60 tháng).

Tiếp thu ý kiến nêu trên của cử tri, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi quy định về thời gian công tác tối thiểu để được tiếp nhận vào làm công chức trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức (hiện nay Bộ Nội vụ đang triển khai lập hồ sơ đề nghị để báo cáo Chính phủ).

Liên quan đến cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024.

Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh: Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, dự kiến từ ngày 01/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản chiếm 70% và 30% gồm các khoản phụ cấp.

Nhiều giáo viên băn khoăn khi đó sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo, đặc biệt đối với các giáo viên đã công tác lâu năm. Cử tri mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề”.

Trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về nội dung kiến nghị nêu trên, tại Công văn số 1005/BNV-TL ngày 27/02/2024, Bộ Nội vụ cho biết: Khoản 3 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu: “Thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo nguyên tắc bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.

Căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023-2024, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nội vụ đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới (trong đó có chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên như ý kiến của cử tri nêu) trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII từ ngày 01/7/2024.

Liên quan đến vấn đề phụ cấp thâm niên, Bộ Nội vụ cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh do Ban Dân nguyện thuộc ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến. Theo đó, cử tri kiến nghị ngoài các đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề như hiện nay, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng là cán bộ, công chức còn lại cũng được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Bộ Nội vụ trả lời cử tri như sau: Tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định chế độ phụ cấp thâm niên nghề được áp dụng đối với sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu và cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm.

Trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, theo đó tại tiết d điểm 3.1 khoản 3 Mục II Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã nêu khi cải cách tiền lương sẽ: “Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)...”.

Thụy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cai-cach-tien-luong-moi-cu-tri-ca-nuoc-ban-khoan-luong-tang-gia-cung-tang-bo-noi-vu-noi-gi-308291.html