'Cái chạm' - chất xúc tác để người thân thêm gần, thêm thương

Với bố mẹ và con cái, nếu thiếu mất những cái ôm, nụ hôn tạm biệt hay cái nắm tay và vuốt ve làn tóc, 'bể yêu thương' sẽ mãi chẳng thể đong đầy.

Đâu đó trong quá trình trưởng thành, đôi lần An Nhiên (quận 9, TP.HCM) cảm thấy không thực sự gần với mẹ. Nhất là khi những cái chạm vào má, ve vuốt tay, hít hà hương tóc mẹ dần vơi khi cô bước vào tuổi trưởng thành. Nhiên biết, không phải vì tình cảm mai một, nhiều lý do khiến nỗi ngần ngại trong cô tăng dần và chiếm cứ hết tình yêu mẹ vẫn âm thầm hiện hữu.

Ký ức về hương tóc mẹ ùa về trong một lần Nhiên gội đầu cho con gái 4 tuổi. Chạm vào mái tóc mỏng của con, chiếc hộp “pandora” bật mở, đưa ký ức phủ bụi mờ từ lâu chảy tràn trong tâm trí. Nhiên nghĩ đến mẹ. Cô bé Nhiên thuở bé rất ghiền chạm vào tóc mẹ, bởi mái đầu đen mướt thoang thoảng mùi bồ kết rũ bên gối mỗi đêm đã đưa Nhiên vào những giấc mộng êm dịu.

Cái ôm xiết chặt, bàn tay chai sần và mái tóc mẹ là điều vô giá với con.

Cái ôm xiết chặt, bàn tay chai sần và mái tóc mẹ là điều vô giá với con.

Tối đó, Nhiên cùng chồng đưa con gái về thăm ông bà ngoại. Khi chạm vào bàn tay phủ kín vết đồi mồi của mẹ, ngắm mái tóc hoa râm ngả màu thời gian, dũng khí trong Nhiên dâng lên khiến cô bật môi: “Con gội đầu cho mẹ nhé?”. Cái gật đầu pha lẫn ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ khiến Nhiên có phần ngại ngùng, nhưng cảm giác ấy dần xua tan khi cô chạm tay vào mái tóc thân quen.

“Tóc mẹ hơi xơ, chắc lâu rồi chưa chăm sóc. Đưa tay đan vào mái tóc, vừa xoa nhẹ vừa thủ thỉ hỏi han, tôi thấy mắt mẹ lấp lánh”, Nhiên tâm sự.

Một lần vượt qua ranh giới của sự ngại ngần để “chạm tay” vào mẹ đã mở ra cánh cửa giúp Nhiên thoải mái thể hiện cử chỉ tình cảm về sau.

Hơn cả, "cái chạm" đánh thức Nhiên, khiến cô cảm thấy mình như người con mải miết với cuộc sống mà lãng quên bậc sinh thành lặng lẽ kề bên. Cũng chính hành động đơn sơ ấy đã dẫn lối để Nhiên hóa thân thành bé con khi xưa, mỗi lúc ở cạnh lại vuốt ve bàn tay, mái tóc của mẹ như thói quen khó bỏ.

Với Nhiên và cả mẹ, "cái chạm" xóa nhòa mọi khoảng cách, khiến họ thêm gần, thêm thương và thấu hiểu nhau hơn.

Qua từng "cái chạm", chúng ta đắm chìm trong thế giới tình thân và làm đầy cảm xúc yêu thương.

Giống với Nhiên, phần lớn chúng ta nhận được tình thương từ bố mẹ qua cử chỉ chăm sóc và từng sẵn sàng trao đi cái chạm tay, ôm hôn. Chúng ta dành cả ấu thơ trong vòng tay của họ và cảm thấy an toàn trong khoảng không đó. Nhưng lớn lên, những “cái chạm” chứa đầy sự âu yếm lại trở nên hiếm hoi, lâu dần tạo nên khoảng cách trong thế giới tình cảm ruột thịt vốn khăng khít.

Có nhiều hơn một lý do để bạn duy trì những “cái chạm” với người thân.

Vẫn biết cái ôm và cử chỉ âu yếm giữa bố mẹ và con cái thường giảm dần khi độ tuổi tăng dần, thậm chí có thể biến mất khi chúng ta bước vào tuổi thiếu niên. Dẫu vậy, có nhiều hơn một lý do để bạn duy trì những “cái chạm” - sợi dây liên kết thể lý và tâm lý các thành viên trong gia đình.

“Cái chạm = sức khỏe” là cách màTiffany Field - Giám đốc Viện Nghiên cứu Cảm ứng tại trường Y, thuộc Đại học Miami - nói về sức mạnh của sự tiếp xúc cơ thể. Theo vị chuyên gia, sự đụng chạm tích cực sẽ kích thích các thụ thể dưới da, làm giảm nhịp tim, chậm hơi thở, giảm hormone gây căng thẳng và tăng cường hệ thống miễn dịch. Nói cách khác, việc chạm vào người thân yêu giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn.

Trên hết, khoa học chứng minh sự đụng chạm tích cực làm giảm trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự đụng chạm cơ thể, cụ thể là ôm ấp, sẽ giải phóng oxytocin - loại hormone tạo cảm giác dễ chịu, khiến bạn cảm thấy như không gì có thể làm tổn thương chính mình. Từ việc sống hạnh phúc hơn do sự gia tăng của oxytocin, bạn cũng dần cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này đồng nghĩa khi thực hành yêu thương qua những "cái chạm", cơ thể và trái tim bạn khỏe mạnh hơn theo đúng nghĩa đen.

Hơn thế, các giác quan như xúc giác, khứu giác và vị giác cũng được thỏa mãn trong khi mọi cảm xúc đong đầy, tạo ra sợi dây gắn bó mật thiết trong mối quan hệ. Bằng cách giữ người thân trong vòng tay hay chạm vào đối phương, điều hòa hơi thở, tâm trí sẽ biết rằng: Bạn đang thực sự kết nối với bậc sinh thành.

Xúc cảm gần gũi thường trào dâng mãnh liệt khi bạn chạm tay, ôm ấp đấng sinh thành.

Chẳng hạn với nhiều người, cái ôm là “liều thuốc” chữa lành tâm hồn, mang đến sự gần gũi, gắn kết và dịu sóng lòng. Nếu muốn được bố mẹ vỗ về khi yếu lòng hay chỉ đơn giản cần cái ôm mỗi ngày từ người thân, bạn nên thay đổi cách quan tâm, chủ động trao đi những cử chỉ gần gũi để tỏ lòng. Không đơn thuần ôm bố mẹ trong vòng tay chóng vánh hay vỗ nhẹ lên lưng, hành động này phải xuất phát từ trái tim.

Bạn cũng có thể gửi trao tình cảm qua những món quà. Không dừng lại ở giá trị vật chất, đôi hoa tai tặng mẹ ngày sinh nhật, cặp nhẫn tặng đấng sinh thành dịp kỷ niệm cưới, chiếc đồng hồ hao hao với kỷ vật bố từng giữ… trở nên ý nghĩa hơn khi bạn tự tay đeo cho họ. "Cái chạm" đầy tinh tế ấy sẽ nói thay lời yêu, giúp bạn đến thật gần để vuốt đôi bàn tay chai sần của bố, khẽ chạm làn tóc mẹ, ôm chiếc lưng gầy, từ đó hiểu hơn và thêm yêu thương.

Chúng ta chỉ sống một lần và năm tháng như thoi đưa, chẳng có phép lạ nào kéo thời gian quay trở lại trong khi thời gian của bố mẹ là hữu hạn. Thế nên, bạn có thể dành cho bố mẹ thật nhiều sự quan tâm và “cái chạm” để lấp đầy “bể yêu thương” mỗi ngày.

Người dụng bắt buộc phải định danh tài khoản mạng xã hội

Tú Chi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/cai-cham-chat-xuc-tac-de-nguoi-than-them-gan-them-thuong-172230511143345451.htm