Cái chết của Jo Min Ki khiến phong trào #MeToo bị phản ứng

Sự ra đi đột ngột của Jo Min Ki đã gây ra phản ứng chống lại phong trào #MeToo từ một bộ phận công chúng Hàn Quốc.

Đám tang của Jo Min Ki diễn ra lặng lẽ và ít đồng nghiệp đến viếng - Ảnh: ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH TELEGRAPH

Trang Telegraph tiết lộ sau tin tức về cái chết của Jo Min Ki, không ít người dân xứ kim chi đã thẳng thắn phê bình chiến dịch #MeToo đang ngày một phổ biến. Họ cho rằng phong trào đã dần mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu, mà trở thành một “cuộc săn đuổi phù thủy” (Witch Hunt) góp phần nâng cao thành kiến đối với nam giới trong ngành giải trí.

Như thông tin đã đưa, Jo Min Ki đã tự sát vào chiều 9.3. Ông là nam diễn viên nổi tiếng với nhiều vai diễn để đời và là giảng viên tại một trường đại học danh giá. Giữa tháng 2.2018, ông xin thôi việc ở Trường đại học Cheongju và rời các dự án phim mới khi bị nhiều sinh viên tố cáo quấy rối tình dục.

Đám tang của Jo Min Ki chỉ có vài đồng nghiệp đến viếng. Điều này khiến người bạn của ông là Jo Sung Gyu không giấu được sự phẫn nộ và thể hiện nỗi tức giận trên Twitter. Ông viết: “Các bạn sợ cái gì?... Tôi cảm thấy như mình đang chứng kiến một nền công nghiệp giải trí toàn người nổi tiếng giả tạo vậy”. Bên cạnh đó, hai nam diễn viên Jung Il Woo và Yoo Ah In khi bày tỏ sự thương xót đối với Jo Min Ki trên trang cá nhân cũng bị dư luận “ném đá”.

Nam diễn viên Yoo Ah In thẳng thắn nói lên quan điểm cá nhân - Ảnh: ẢNH: INSTAGRAM NV

Đặc biệt, video của “ảnh đế” Yoo Ah In trên Instagram trong ngày Jo Min Ki mất gây nhiều chú ý. Đoạn clip anh chia sẻ được cho là ám chỉ “cuộc săn đuổi phù thủy” nhắm vào đàn anh cũng như thể hiện quan điểm của bản thân về #MeToo nảy ra nhiều tranh cãi. Anh nhận về nhiều “gạch đá” từ bộ phận ủng hộ chiến dịch #MeToo.

Tuy nhiên, một số phụ nữ từng đứng lên tố cáo Jo Min Ki cũng bỗng hứng chịu chỉ trích sau khi tài tử qua đời. Korea Herald cho biết trang facebook của một trong số các nạn nhân tràn ngập bình luận ác ý. Vài ý kiến cho rằng cô nên chịu trách nhiệm trước cái chết của Jo Min Ki, bởi cô nên đệ đơn kiện thay vì đưa ra cáo buộc trên mạng xã hội.

Thậm chí, phía phản đối #MeToo còn gửi kiến nghị lên Tổng thống Moon Jae In. Theo Telegraph, trang web của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã nhận được đơn kiến nghị yêu cầu người đứng đầu quốc gia tham dự lễ tang của Jo Min Ki. Telegraph cũng dẫn lại một số nội dung viết trong đơn: “Ông đáng lẽ nên cẩn thận hơn trước khi tham gia vào phong trào #MeToo… Vì lời nói của ông, cuộc đời của Jo Min Ki đã chấm dứt” hay “Ông nên tham dự đám tang của Jo Min Ki. Ông ấy cũng là một công dân Hàn Quốc mà”. Jo Min Ki cũng được đề cập là người chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi sự chệch hướng của phong trào #MeToo.

Đầu tháng 3, Hàn Quốc đóng cửa một triển lãm của nhà thơ Ko Un vì cáo buộc quấy rối tình dục - Ảnh: ẢNH: REUTERS

Được biết, Tổng thống Moon Jae In là người mạnh mẽ ủng hộ phong trào #MeToo. Ông cũng kêu gọi cảnh sát và các cơ quan chính phủ bắt tay điều tra mọi cáo buộc lạm dụng. Được biết, không chỉ làng nghệ sĩ mà giới chính trị gia cũng lao đao vì bê bối quấy rối tình dục. Một ứng cử viên tổng thống đã bị một nhân viên tố cưỡng bức mình.

Chiến dịch #MeToo của Hàn Quốc bắt đầu vào tháng 1.2018, khi công tố viên Seo Ji Hyeon cáo buộc một quan chức cao cấp của Bộ Tư pháp đã quấy rối cô trong một đám tang khi ông say rượu. Từ đó, hàng loạt người nổi tiếng bị phanh phui, gồm nhà thơ từng được đề cử Nobel Văn học Ko Un, đạo diễn Kim Ki Duk, nhà sản xuất, giám đốc nhà hát và những ngôi sao làng phim ảnh như Cho Jae Hyun, Jo Min Ki, Kim Tae Hoon, Oh Dal Soo, Choi Il Hwa, Choi Yong Min…

Thanh Đào

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/cai-chet-cua-jo-min-ki-khien-phong-trao-metoo-bi-phan-ung-941417.html