Cái chết của lính Tây Tạng hé lộ sự tồn tại của đơn vị bí mật

Cái chết của một người Tây Tạng thuộc đơn vị đặc biệt của Ấn Độ trong vụ nổ mìn gần nơi xảy ra vụ ẩu đả với lính Trung Quốc gần đây đã tạo ra cơ hội hiếm hoi để người ngoài biết về các chiến binh tinh nhuệ trên núi cao này.

Hồ Pangong Tso ở vùng Ladakh. (Ảnh: Reuters)

Hồ Pangong Tso ở vùng Ladakh. (Ảnh: Reuters)

Ông Tenzin Nyima, 53 tuổi, thiệt mạng và một lính biệt kích bị thương nghiêm trọng trong vụ nổ xảy ra gần hồ Pangong Tso ở sườn tây dãy Himalaya, 3 quan chức chính phủ Ấn Độ và người thân các nạn nhân kể với Reuters.

Lực lượng Ấn Độ và Trung Quốc cuối tuần qua đã giáp mặt nhau ở khu vực tranh chấp này, theo thông tin từ hai chính phủ.

Ông Nyima là thành viên Lực lượng biên phòng đặc biệt (SFF). Lực lượng này tuyển dụng chủ yếu những người Tây Tạng tị nạn. Hàng trăm ngàn người Tây Tạng đã chọn Ấn Độ làm nhà sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Tây Tạng sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1959. Một số thành viên trong lực lượng đặc biệt đó là công dân Ấn Độ.

Có rất ít thông tin được biết đến về lực lượng bí mật được lập ra sau chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962. Hai quan chức Ấn Độ ước tính lực lượng đó gồm hơn 3.500 thành viên.

Ông Amitabh Mathur, một cố vấn của chính phủ Ấn Độ về các vấn đề Tây Tạng, nói rằng SFF là “lực lượng đột kích, đặc biệt trong chiến tranh trên núi”.

“Nếu tất cả SFF được triển khai, tôi cũng không ngạc nhiên. Điều họ làm nhiệm vụ trên núi cao là việc dễ hiểu. Họ là những người leo núi và lính biệt kích tuyệt vời”, ông Mathur nói.

Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ không trả lời câu hỏi về SFF, Reuters cho biết.

Trung Quốc từ lâu đã coi sự hiện diện của lực lượng người Tây Tạng ở Ấn Độ là một mối đe dọa. Những người đó được dẫn dắt bởi Đức ông Đạt Lai Lạt Ma, người bị Bắc Kinh coi là thành phần ly khai nguy hiểm.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 2/9 rằng bà không biết có những người Tây Tạng đang chiến đấu cho Ấn Độ, nhưng cho rằng nên thận trọng.

“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Ấn Độ, ủng hộ các hoạt động ly khai của lực lượng đòi độc lập cho Tây Tạng hoặc hỗ trợ họ hoặc cung cấp nơi ở cho họ”, bà Hoa nói.

Cộng đồng người Tây Tạng đang khóc thương trước sự ra đi của ông Nyima, Reuters đưa tin.
Thi thể người đàn ông này được đặt trong quan tài phủ cờ Ấn Độ và Tây Tạng ở ngôi làng Choglamsar của người Tây Tạng lưu vong. Ngôi làng này nằm ở vùng Ladakh.

Người nhà và hàng xóm của ông Nyima nói với Reuters rằng một quan chức chính phủ Ấn Độ khi bàn giao thi thể đã khẳng định ông Nyima hy sinh “khi đang bảo vệ Ấn Độ”.

Một quan chức cấp cao Ấn Độ nói rằng SFF đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến năm 1971 với Pakistan, dẫn đến sự ra đời của Bangladesh, cũng như đợt chiến tranh suýt nổ ra với Pakistan năm 1999 ở Kargil.

Bình Giang

theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/cai-chet-cua-linh-tay-tang-he-lo-su-ton-tai-cua-don-vi-bi-mat-1715927.tpo