Cái chòi trên lưng núi…

1. Tuổi thơ tôi từng có mười năm “nghiệp vụ” chăn bò, từng có một người bạn vong niên thân thiết sống trong cái chòi trên lưng núi.

Người bạn ấy là ông Năm Lắc. Ông Năm Lắc là thương binh xuất ngũ, chỉ còn một chân (chính xác: một chân rưỡi, ông phải chống nạng, bước lắc lư bởi vậy mới có tên Năm Lắc) với một tay nhưng phải nuôi bà vợ bị bệnh tim và ba đứa con đang tuổi ăn chơi. Ông Năm nhận khoán coi sóc vườn điều của Hợp tác xã bên sông kiếm thêm thu nhập, phải cất chòi trên lưng núi Chai để canh trộm.

Trộm nào? Thì … lũ chăn bò chúng tôi chớ ai. Nhất quỉ nhì ma thứ ba chận (chăn) bò, câu ấy xứ tôi đã thành thành ngữ. Chăn bò, rảnh ra là sục sạo tìm cái ăn cái chơi, nghịch phá còn hơn quỉ sứ. Nói công bình, ông Năm cũng không phải người khó tính. Mùa điều trái chín, ông cho cả lũ vào vườn ăn trái thỏa thuê với duy nhất một điều kiện: vặt hột bỏ lại cho ông. Dạ rân, nhưng đời nào chúng nghe theo. Hột điều bán có tiền. Không bán thì đem nướng, đập lấy nhân ăn cũng ngon. Đương nhiên, cứ bỏ lại cho ông hai hột chúng tìm cách giấu đi một hột.

Ngoài vườn điều, ông Năm còn tận dụng hai cái đầm nước ven sông để trồng sen, vỡ mấy miếng đất hoang dưới chân núi Chai trồng thêm bắp, mía, dưa… Toàn món khoái khẩu khiến lũ chăn bò liếm mép. Vậy là, từ cái “vọng gác” trên lưng núi, ông Năm cứ phải mỏi mắt canh chừng tài sản, bỏ cả ngủ trưa. Thấy động, ông ơi ới quát to khiến lũ chăn bò chạy thục mạng. Sau vài lần hoảng hốt, mấy thằng lì lợm trong đám mới chợt nhớ, bảo nhau “chạy từ từ thôi, ổng có… chân rưỡi, đời nào đuổi kịp!”

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Ngay chiều hôm ấy, mấy tên lì thuộc hàng “cộm cán” lùa bò về đã thấy ông Năm… đứng chờ ngay ngõ! Tái le tái lét, năn nỉ thiếu điều gãy lưỡi ông Năm mới tha. Ông hăm: “còn tái phạm ông sẽ tới mắng vốn mẹ cha cho chúng mày bầm đít!”

Ông Năm đâu có ngờ tôi là con gái nhưng “bợm” không kém con trai. Mấy vụ “đạo tặc” này, tôi qua được mắt ông Năm nhiều lần. Cũng nhờ ông tin tôi con gái chắc hiền, không phá phách…

2. Cái chòi lưng núi mới nhìn qua tưởng đơn sơ; nhưng thực sự là một kỳ công của người chỉ còn một tay một chân như ông Năm Lắc. Di chuyển không thôi còn khó, nhưng không biết cách nào mà mình ông tự đào lỗ trồng trụ, cột phên, vào núi cắt tranh về đánh tấm đem dừng vách, lợp mái chòi. Hỏi, ông bảo: “ngày xưa đi bộ đội ở rừng, làm lán trại miết nên quen”.

Trại nhỏ nhưng ngăn nắp, chia chỗ ngủ, chỗ ăn chỗ nấu nướng đàng hoàng do ông Năm phải cư trú ở đó cả ngày lẫn đêm. Ban ngày, núi non còn “sinh khí” chút bởi có lũ chăn bò í ới; nhưng ban đêm chắc chỉ còn mình ông Năm giữa chốn hoang vu, xa làng xóm, tưởng tượng thôi cũng đủ nổi da gà…

Từ chân núi lên chòi phải leo qua một đoạn dốc. Đủ chân tay như tôi mỗi bận leo lên leo xuống còn mệt. Nhiều lần tôi vừa hổn hển leo vừa càm ràm ông Năm không biết tính: đi trên đất bằng phải chống nạng mà còn cất chòi lưng núi chi cho cực dữ!

Mẹ tôi liền bảo: “ổng không cất chòi trên cao sao quản nổi lũ ôn con phá phách chúng mày. Tưởng miếng cơm lương thiện kiếm dễ lắm sao con?”

Tôi nghe, từ bữa ấy có chùn tay, bớt ba trò bẻ mía trộm khoai của ông Năm Lắc…

3. Lớn lên ra đời, tôi không ít lần vấp ngã. Mỗi khi thua buồn muốn buông xuôi phó mặc, hình ảnh cái chòi lưng núi cùng những bước chân khấp khễnh bằng nạng của ông Năm Lắc ngày xưa lại hiện về. Bên tai tôi văng vẳng câu nói của mẹ ngày xưa: tưởng miếng cơm lương thiện dễ kiếm lắm sao con…

Y Nguyên

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: http://www.sgtiepthi.vn/cai-choi-tren-lung-nui/