Cái đẹp – cắt nghĩa, lý giải

Sắp bước vào thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng nhân loại vẫn cúi đầu trước cái đẹp chuẩn mực của tượng thần Vệ Nữ ra đời trước đó hàng nghìn năm (khoảng năm 130 trước Công nguyên). Bao nhà mỹ học nổi tiếng băn khoăn đưa ra câu hỏi: người xưa căn cứ vào đâu để có những tỷ lệ về cái đẹp lý tưởng như vậy?

Còn nhiều những câu hỏi mang tính thách đố tương tự: cách nay gần năm nghìn năm ai có thể xây Kim Tự Tháp với những con số chính xác gần như tuyệt đối như thế?

Theo thần thoại La Mã thì Vệ Nữ là vị thần của Sắc đẹp và Tình yêu. Hiện tại bức tượng thần Vệ Nữ được đặt tại bảo tàng Luvrơ (Pháp) nhưng ánh sáng của thần thì tỏa rạng khắp nhân gian ca ngợi, tôn vinh cái đẹp và tình yêu của con người.

Cho đến nay biết bao họa sỹ và thi nhân, bao nhạc sỹ và điêu khắc gia… lấy cảm hứng từ thần Vệ Nữ, một kiệt tác vĩnh cửu về sự quyến rũ mê hoặc, về sức sống tươi trẻ, về tỷ lệ khuôn thước… để sáng tạo những tuyệt phẩm khẳng định hình thể và tâm hồn con người mãi là trung tâm của vũ trụ.

Tượng thần Vệ Nữ.

Tượng thần Vệ Nữ.

Truyền thuyết kể rằng thần Vệ Nữ sinh ra từ máu và sóng biển. Sự xung khắc giữa hai cha con thần Uranôx dẫn đến đổ máu. Những giọt máu từ trên ngọn núi Ôlanhpơ - thế giới của các vị thần, rơi xuống biển hòa vào bao lớp sóng kết vào nhau làm thành những viên ngọc long lanh, từ những viên ngọc đó hiện ra một tuyệt thế giai nhân. Thì ra người xưa đã triết lý sâu xa về cái đẹp. Cái đẹp thật quý, quý như máu vậy. Và cũng rất có thể cái đẹp là nguyên nhân gây ra sự đổ máu, ngay cả với những người thân thiết.

Cái đẹp cũng thật mong manh. Mong manh như sóng biển vậy. Cái đẹp được hình thành từ sự lan tỏa và kết nối (như sóng biển luôn lan tỏa và kết nối). Đến lượt cái đẹp cũng phải như sóng biển lan rộng, nhân lên cái đẹp cùng đi vào mọi trái tim, mọi tâm hồn.

Với cái nhìn duy lý và tư duy phân tích nhận định luôn phải được định lượng hóa bằng con số, người phương Tây sau này dựa trên tỷ lệ của tượng thần Vệ Nữ (và nhiều tượng khác) mà đưa ra các thông số về sự vật được gọi là đẹp. Pitago cho rằng một bản nhạc hay là quãng tám (1/8), quãng bốn (3/4), quãng năm (2/3). Ông chỉ ra âm nhạc phải phản ánh tính hài hòa của các thiên thể trong vũ trụ. Đến thời Phục Hưng, các nhà hội họa cho thấy "tỷ lệ vàng" trong tương quan tỷ lệ của hai cạnh trong các hình chữ nhật là 1/1,618. Các chỉ số vàng cho các hình dạng như cơ thể người, ngôi nhà… là 3/5, 5/8, 8/13…

Với phương Đông thì quan niệm về cái đẹp lại rất ước lệ, chung chung. So với các triết học khác thì Đạo gia bàn nhiều về cái đẹp hơn cả nhưng cũng không hề cụ thể. Trong "Nam hoa kinh", Trang Tử nói, đại loại như "Tự nhiên chi mỹ, thiên địa chi mỹ" (Tự nhiên là đẹp, trời đất là đẹp); "Vô hạn chi mỹ" (Cái đẹp không giới hạn); "Vô vi tự mỹ" (Cái đẹp không vụ lợi)…

Cho đến các giai thoại về cái đẹp càng khó hình dung cụ thể với các câu ví như "đẹp như Tây Thi", hay đẹp "chim sa cá lặn". Truyền thuyết kể Tây Thi ở thôn Tây núi Trữ La, gia đình thuộc họ Thi nên gọi Tây Thi (cũng không có tên riêng cụ thể). Làm nghề dệt vải nên hàng ngày Tây Thi đem lụa giặt ở bến sông. Nàng soi thân xuống nước để tự thưởng thức cái đẹp của mình. Không ngờ chim bay trên trời nhìn xuống nước thấy sắc đẹp của nàng mà sa xuống, cá dưới nước thấy bóng nàng là lặn mất tăm… Thì ra cái đẹp của con người có thể hấp dẫn, hàng phục được cả tự nhiên!

Về sau nhiều nhà mỹ học phương Đông thừa nhận Tây Thi đẹp nhất, đẹp hơn cả mỹ nhân "nhất cố khuynh nhân thành/ Tái cố khuynh nhân quốc" vì dù người đẹp ấy có quay lại nhìn làm đổ thành người, quay lại nhìn lần nữa làm nghiêng nước người, thì thành hay nước người cũng là do con người làm ra mà thôi.

Nhưng cái đẹp của Tây Thi còn làm nghiêng đổ cả lịch sử. Chuyện là Câu Tiễn vua nước Việt thua trận nên bị Ngô vương là Phù Sai bắt làm tù binh chăn ngựa. Câu Tiễn chịu "nằm gai nếm mật", thậm chí nếm cả phân của Ngô vương để chờ cơ hội. Được trả tự do, Câu Tiễn về nước liền chọn Tây Thi cống sang nước Ngô làm kế báo thù. Quả nhiên Phù Sai mê mệt Tây Thi để rồi nghe lời của một "điệp viên siêu hạng" ăn chơi vung vãi, giết những người tài, làm theo kẻ nịnh…

Chẳng mấy năm mà chính sự rệu rã. Câu Tiễn cất quân, hiển nhiên nước Ngô tan vỡ. Phù Sai phải tự vẫn. Còn Tây Thi thì có hai giả thuyết, phái duy mỹ thì thấy để Tây Thi đẹp thế mà chết thì quá phí nên bịa ra chuyện vì trước đó đã yêu Phạm Lãi là cận thần của Câu Tiễn nên sau khi Ngô vương chết hai người bèn xuống thuyền đi về Ngũ Hồ nơi có cảnh đẹp nổi tiếng để tiếp tục yêu nhau. Nhưng phái ghen ghét phụ nữ đẹp thì thêm thắt rằng chính vợ Câu Tiễn sợ Câu Tiễn lại say đắm Tây Thi như Ngô vương nên sai người giết quách bằng cách dìm nàng xuống sông cho mất tích đi!

Theo quan niệm từ truyền thuyết này thì cái đẹp là nguyên nhân mất nước. Có thể điều ấy chỉ đúng một phần nhưng chắc chắn từ câu chuyện ấy mà binh pháp phương Đông khái quát thành một kế sách bất hủ có tên "Mỹ nhân kế". Còn trong lịch sử tình báo thế giới thì Tây Thi là một điệp báo viên điển hình cho việc "leo cao chui sâu" để phá hoại, kết hợp "phá từ trong ra" với "đánh từ ngoài vào"…

Như vậy phương Đông nhìn nhận cái đẹp mơ hồ, không cụ thể nhưng lại thực dụng hơn phương Tây. Tuy có điểm chung đều coi phụ nữ là biểu tượng cho cái đẹp nhưng quan niệm và ứng xử thì vẫn khác hẳn nhau. Như việc đàn ông phương Tây quỳ trước người vợ tương lai để cầu hôn vì họ coi không phải quỳ lạy vợ mà là tôn vinh cái đẹp. Với cánh mày râu phương Đông bảo thủ và gia trưởng thì hành vi đó lại bị coi là sự sỉ nhục. Thậm chí ngày cưới cũng là ngày người chồng phải thể hiện uy quyền để người vợ phải sợ và nghe lời suốt cả đời!

Hình tượng cô Tấm nền nã chân quê trong một bức họa.

Đến tận bây giờ đàn ông phương Tây vẫn tôn trọng phụ nữ hơn. Nên ta thấy đang có trào lưu phụ nữ phương Đông kết hôn với trai phương Tây! Điều này làm đàn ông phương Đông giật mình và nghiêm túc nhìn nhận kẻo hối chẳng kịp!

Với người Việt duy tình sống giữa thiên nhiên cây trái nhưng khí hậu khắc nghiệt nhiều bão lắm mưa… nên có một quan niệm về cái đẹp là sự hài hòa rất rõ. Các cụ ta dạy "Có nam có nữ mới nên xuân". Đây không chỉ là chuyện nam nữ trai gái đơn thuần mà phổ quát hơn là chuyện quan hệ trong xã hội, trong gia đình. "Xuân" là đẹp thì cái đẹp đó phải hài hòa nam nữ, có âm có dương, có yểu điệu thục nữ có mạnh mẽ quân tử...

Bây giờ vẫn quan niệm (xưa cũ) thế, một nhà hạnh phúc là có trai có gái chứ không "một bề"… Ngôi nhà người Việt là tiêu biểu cho sự hài hòa. "Nhà cao cửa rộng" không chỉ là khao khát ước mơ mà là thực tế, cao rộng để đón nhiều gió, nhiều ánh sáng tránh cái nóng, cái nực, cái oi. Nhà ba gian hoặc năm gian thì gian giữa để thờ tự tổ tiên và tiếp khách.

"Lấy vợ đàn bà làm nhà hướng nam" không là hiển nhiên mà rất có lý. Vợ phải là "đàn bà" tức phải đẹp, khỏe mạnh, cần cù, chăm chỉ, biết nghe lời, có "công, dung, ngôn, hạnh"… Nhà hướng Nam mát mẻ, tránh cái nắng từ hướng Đông hướng Tây và tránh gió Bắc.

Đáng chú ý nhất là người Việt có quan niệm hài hòa giữa bộ phận và tổng thể: "Người xinh cái gót cũng xinh/ Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn". Không chỉ hài hòa cơ thể mà còn hài hòa tổng thể môi sinh, người đẹp thì đứng ở đâu cũng đẹp, đầu đường, bờ ao đều đẹp…

Một ý nghĩa truyện "Tấm Cám" là nói về điều này. Cô Tấm xinh nên cái hài của cô cũng đặc biệt, đến nỗi vua cũng mê vì vua đoan chắc cái hài (bộ phận) đẹp thế thì người (tổng thể/hệ thống) cũng phải đẹp. Thế là vua bắt mọi người ướm thử.

Dĩ nhiên chỉ có Tấm là vừa. Tấm được làm vợ vua. Ở đây ngoài quan niệm "ở hiền gặp lành" còn là quan niệm về giá trị và quyền lợi của cái đẹp: cô Tấm đẹp như tiên thì xứng đáng làm Hoàng hậu! Cũng là quan niệm về sự hài hòa: Cái đẹp (như cô Tấm) tương xứng với cái giàu có, sang trọng, vương giả, quyền lực (vua).

Ngoài ý nghĩa giáo huấn đạo lý còn là răn dạy về ứng xử mỹ học: Con người phải biết tạo ra cái đẹp và tôn trọng cái đẹp!

Xưa cũng như nay, ở đâu cũng thế cái đẹp đều rất được đề cao, yêu quý. Hoàn toàn dễ hiểu vì cái đẹp thuộc về con người, thể hiện tính người rõ nhất, ở chỗ ai cũng khao khát vươn lên sáng tạo, chinh phục và sở hữu cái đẹp!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cai-dep-cat-nghia-ly-giai-574682/