Cái đẹp và sự lừa dối

Vụ việc lùm xùm của cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2017 diễn ra khá lâu nhưng vẫn chưa hết sự phản ứng từ dư luận xã hội.

Có lẽ giờ đây dư luận không còn bàn tán rằng cô gái đoạt vương miện Lê Âu Ngân Anh đã là đẹp nhất cuộc thi hay không nữa, hay việc cô hoa hậu này có phẫu thuật thẩm mỹ không và đẹp hơn hay xấu hơn so với trước khi phẫu thuật. Bởi nay sự việc đã rõ: Cả Ban tổ chức và thí sinh đoạt vương miện đều khẳng định là cô hoa hậu có phẫu thuật thẩm mỹ trước khi đi thi- điều này vi phạm về quy định pháp luật về điều kiện của thí sinh dự thi người đẹp trong nước.

Giờ đây dư luận cảm thấy bực bội vì bị lừa dối. Một thí sinh đã báo cáo với Ban tổ chức cuộc thi về việc mình đã phẫu thuật thẩm mỹ (không đủ tiêu chuẩn) để dự thi là chứng tỏ cô ấy đã nắm rõ quy định nhưng vẫn cố tham dự, nhất là khi đoạt vương miện thì có thể nói lòng tự trọng của cô gái không còn “tròn trịa”. Thiếu lòng tự trọng thì khó để trở thành hoa hậu ít nhất là về mặt tâm hồn, nhân cách.

Nhưng điều đáng nói hơn là Ban tổ chức dù biết rõ thí sinh vi phạm quy định về điều kiện dự thi nhưng vẫn đồng ý cho tham dự và khi sự việc “vỡ lở” lại ra sức che đậy, đó là sự lừa dối mà khó ai chấp nhận.

Cái đẹp và tôn vinh cái đẹp thì không thể là sự lừa dối, không thể là sự thiếu trung thực. Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi vì sao một Ban tổ chức cuộc thi rất hùng hậu lại có thể để xảy ra một sự cố như vậy? Đó là sự kém nhận thức, sự “ngây thơ” hay có điều gì khuất tất? Những câu hỏi chỉ những người trong cuộc mới có thể trả lời chính xác!

Nhìn thẳng thực tế, nhiều cuộc thi sắc đẹp đang làm xấu đi cái đẹp. Bởi ở đó cái đẹp được trưng ra với sự lừa dối, vô cảm, coi thường dư luận. Không chỉ ở cuộc thi Hoa hậu Đại Dương năm nay mà không ít cuộc thi thí sinh có vấn đề về điều kiện học vấn (chưa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông), cuộc thi tổ chức giữ ngày bão lũ hoành hành, tang thương… Nhưng không thể chỉ trách những người tổ chức các cuộc thi mà cơ quan quản lý các cuộc thi sắc đẹp này cũng phải liên đới về trách nhiệm. Một sự vi phạm quy định quá rõ ràng nhưng Ban tổ chức vẫn cho thí sinh thi là sự coi thường phép tắc, coi thường sự quản lý của cơ quan hữu quan. Cơ quan quản lý ngành, địa phương yếu kém, thiếu sự kiểm tra, giám sát nên các Ban tổ chức mới “cả gan” qua mặt.

Cái đẹp không thể là “ánh trăng lừa dối”, mỹ phải luôn đi cùng chân- thiện mới có chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu cái đẹp.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cai-dep-va-su-lua-doi.aspx