Cái 'đuôi' của phí chia tay

Một phần trong 'phí chia tay' 3-5 USD được ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng 'chia sẵn', là để 'đóng vào quỹ phát triển du lịch'. Ông Hưng nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

 Phí chia tay được ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đề xuất với mức 3-5 USD/người (Ảnh:quochoi.vn)

Phí chia tay được ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đề xuất với mức 3-5 USD/người (Ảnh:quochoi.vn)

Lập luận như sau: Một số nước đã áp dụng chính sách visa và phí xuất, nhập cảnh để điều chỉnh lĩnh vực này. Nhật Bản chẳng hạn, năm ngoái Quốc hội Nhật ban hành đạo luật quy định mỗi công dân ra nước ngoài thì phải đóng một loại phí (gọi là phí chia tay hay phí du lịch) 1.000 yên mỗi người (khoảng 9,3 USD).

Từ “thực tế” trên, ông Hưng đề xuất "công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh".

Số tiền này, theo ông, “Sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để bảo hộ, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn. Một phần để đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho công dân khi xuất, nhập cảnh; phần còn lại đóng vào quỹ phát triển du lịch góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam”.

Suốt từ hôm qua, phí chia tay đã trở thành chủ đề... đàm tiếu của dư luận vì sự vô lý.

Về nguyên tắc, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công...

Ở giác độ pháp lý, đề xuất này rõ ràng không thỏa mãn các nguyên tắc tối thiểu là “bù đắp chi phí”, như thể cứ thích là thu vậy.

Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam, với 2 triệu USD bình quân, chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về quảng bá cho du lịch, thấp hơn cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73).

Nhưng, hãy chú ý đến cách đặt vấn đề của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị của ngành du lịch: “Các nước có thể chỉ hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có "một số ít triệu đô la", làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả để quảng bá và phát triển du lịch!".

Tiền là một cái khó. Nhưng không có nghĩa cứ thiếu tiền là nghĩ đến phí, trong bối cảnh cuộc sống người dân không ít chật vật với giá cả, với thuế phí.

Câu chuyện một ĐBQH đề xuất phí và bị phản đối khắp nơi cũng còn đang đặt ra vấn đề với niềm tin với khu vực công khi việc sử dụng các nguồn quỹ ngoài ngân sách đang nằm ngoài khả năng hiểu biết và giám sát của dân - những người đóng phí.

Cho nên, muốn thu thêm một đồng, hãy giải thích cho dân “một số ít triệu đô la” đã được sử dụng như thế nào? Mang lại hiệu quả ra sao?

Muốn thu thêm một đồng, hãy nói cho dân hiểu, để tin đó là “đồng tiền cái” sẽ sinh sôi, sẽ mang lại lợi ích cho chính họ.

Chứ chỉ đề xuất chỉ vì thiếu thì rõ ràng rất khó để thuyết phục người dân.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cai-duoi-cua-phi-chia-tay-738772.ldo