Cái giá của sự sống

Tiếng khóc thút thít của chị Thanh, nỗi nhớ nhà đau đáu của Hùng khi ba tháng trời xa con, và ước mơ đổi đời sau khi có tiền nhờ bán thận của Tài khiến tôi cứ mãi ám ảnh.

Gần 10 năm trước, khi mới 13-14 tuổi, tôi tình cờ nghe được bập bõm về Tô Công Luân chàng sinh viên chết sau khi bị dụ dỗ sang Trung Quốc bán thận. Lúc ấy, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, tin ấy cũng chỉ thoáng qua rồi xếp lại trong tâm trí tôi.

Sau này, khi theo nghề báo, nhiều lần, tôi được dịp tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện bi thương của Luân từ những bài giảng của thầy. Bi kịch không chỉ dừng lại ở cái chết của Luân mà còn kéo theo vô vàn nỗi đau khổ cho người ở lại.

Trên hành trình đi tìm và ngợi ca sự cao cả những người vô danh trước lúc chết đã trao lại món quà sự sống bằng cách hiến tạng cứu người. Tôi tình cờ phát hiện sự thật vẫn còn những kẻ sống bằng việc ăn bám trên xương máu của những người nghèo khổ đến đường cùng phải bán thận.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm điều phối tạng quốc gia, nước ta có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, ngày càng có xu hướng gia tăng. Ghép thận là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả nhất cho người bệnh suy tạng giai đoạn. Dữ liệu này vô tình lại trở thành “mỏ vàng” cho hàng loạt cò bán thận khái thác, săn lùng dụ dỗ những hoàn cảnh khó khăn bán thận lách luật dưới vỏ bọc “hiến thận nhân đạo”.

Từ một lời chia sẻ: “Nam 24 tuổi, nhóm B, không rượu bia thuốc lá, chưa vợ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn khi mới ra trường không có việc làm, cần bán thận kiếm vốn làm ăn. Ai cần liên hệ qua số điện thoại 090XXX” trên group “Hội Hiến tạng - Ghép tạng” của Facebook, ngay lập tức, hàng loạt “cò buôn thận” nhảy vào bình luận, thậm chí chat với tôi.

Những cuộc ngã giá trắng trợn càng được bộc lộ rõ khi tôi tiếp xúc trực tiếp với “cò bán thận”.

Cò Sơn hẹn gặp tôi tại một quán cà phê trước Bến xe miền Đông (TP.HCM), Sơn dụ dỗ rằng ra Hà Nội bán thận nhanh và được giá hơn Sài Gòn. Anh ta hứa bao trọn ăn ở, chi phí đi lại nếu tôi gật đầu. Còn Thùy và Hải hứa lấy và ghép thận tại Sài Gòn trả cho tôi 210 triệu nếu đồng ý.

Tại Hà Nội, một quả thận giá khoảng 230-260 triệu cao hơn Sài Gòn chỉ ở mức 190-210 triệu. Cường, một “ông trùm” buôn thận nói với tôi: “Anh nói một là một, anh nhận 240 triệu là 240 triệu chứ không đôn lên 280 rồi trả chú em 230 thì có ma nó làm”. Cò Lan người hoạt động sôi nổi nhất trên “Hội Hiến thận - Ghép thận” cũng hứa trả tôi 230 triệu nếu “về với đội của chị”.

Cò Sơn từ một người bán trở thành cò dắt mối, anh nói với tôi muốn về Sài Gòn xây dựng riêng cho mình một đế chế như Cường. Rồi trên hành trình tôi phát hiện thêm Hùng cũng vừa gia nhập đường dây bán thận của cò Thùy. Đường dây mỗi ngày có thêm nhiều chân rết tỏa đi khắp mọi miền tiếp tục lối kéo hàng chục người về Sài Gòn, ra Hà Nội bán thận. Những chuyến xe chở những người khốn khổ đi bán thận cứ thế tiếp nối không hồi kết.

Dọc hành trình, tôi góp nhặt được nhiều góc khuất đằng sau câu chuyện vượt ngàn cây số đi bán thận, câu chuyện về những số phận cùng cực đến đường cùng đành phải bán thận. Không mấy ai có thể tự nguyện chịu những đau đớn thể xác cắt bỏ một phần máu thịt mình hiến tặng một người mà không cùng trực hệ huyết thống.

Lòng trắc ẩn để hiến tặng sự sống cho một ai đó là điều quý giá đáng được ngợi ca. Song, khi mọi thứ đều đem ra ngã giá thì không còn ý nghĩa của mục đích nhân đạo.

Tôi đi bán thận: Cò buôn thận tung hoành ở bệnh viện Sài Gòn Tại TP.HCM, nhiều kẻ buôn bán nội tạng đang hoành hành dụ dỗ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn bán gan, thận dưới vỏ bọc "hiến tạng nhân đạo".

Giữa tháng 11, Thùy và Hải đưa tôi vào một phòng bệnh khoa Nội Thận -Miễn Dịch ghép, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, gặp bệnh nhân nam 37 tuổi - người sẽ mua quả thận của tôi với giá 210 triệu. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài 30 phút, nhưng đó là những ký ức tôi không thể quên.Người đàn ông suy thận thần thái nhợt nhạt, nằm trên giường bệnh ánh mắt hướng về phía tôi. Anh thều thào: “Đội ơn trời Phật đã đem em đến”.

Ngồi bên cạnh gần 30 phút, người bệnh kể cho tôi nghe về những dự định sắp làm nhưng vì đổ bệnh bất ngờ nên dở dang. Anh khát khao được sống để hoàn thành giấc mơ, anh nói với tôi về những chuyến xuất ngoại, việc làm từ thiện như đang cần sự đáp đền. Kết thúc, anh hứa trả ơn hậu hĩnh cho chàng trai trẻ ngồi trước mặt nếu “hiến tặng sự sống”.

Cái chết đối với anh giờ đây giống như quả bom hẹn giờ, nhìn thấy tôi chẳng khác nào anh vớt được chiếc phao cứu sinh giữa dòng nước siết. Song, điều đó lại trở thành một phần lý do hình thành nên liên minh ma quỷ của đường dây bán thận.

Đầu tháng 11, trước khi tiến hành các thủ tục xét nghiệm, tôi được đưa đến phòng tư vấn với bác sĩ. Vào cùng với tôi có hai người khác một phụ nữ trung tuổi, Tài và các gia đình bệnh nhân sẽ nhận thận từ chúng tôi.

Tôi ấn tượng với Tài (27 tuổi, quê Cần Thơ) - ngoại hình là một cô gái nhưng vẫn còn nguyên cái giọng trầm trầm ồ ồ của con trai. Tài thổ lộ bán thận vì muốn kiếm chút tiền để chuyển giới hoàn thiện còn kiếm một tấm chồng.

Gặp người thân của Tài ở ngoài hành lang, họ lại nói với tôi một một câu chuyện khác so với Tài kể: “Nó thích làm con gái coi như ba má cũng ưng theo, giờ người nó thương bị suy thận, nó hiến cứu người coi như làm phước”.

Sau khi hoàn thành 22 xét nghiệm tại bệnh viện, cò Hải dẫn tôi đến khách sạn số 531 Sư Vạn Hạnh, “giam lỏng” tôi trong phòng và yêu cầu chỉ việc ăn, ngủ, uống nước thật nhiều để lấy nước tiểu đạt chất lượng.

Người bạn chung phòng với tôi ở đây là Hùng, người hiến nằm chờ ngày để lên ca. Hành trình của Hùng cũng lắm gian truân, anh ra Huế bể kèo rồi được cò Thùy đưa vào Sài Gòn nằm ở viện 3 tháng ròng, giờ mới được ra hội đồng.

Lúc không có cò Hải, giọng Hùng lắng lại, anh tâm sự 3 tháng rồi chưa được về nhà, nhớ con nhớ vợ. Bố anh từ ngoài Bắc vào thăm anh cũng không thể về. Hùng nói: “Chỉ mong ngày mai ra hội đồng suôn sẻ để được lên ca sớm (lên bàn mổ - PV), nhận tiền về lo trả nợ”.

Cuối tháng 11, đặt chân đến Hà Nội trong cái rét đầu đông, tôi tiếp nối hành trình thâm nhập vào đường dây bán thận. Không giống như tại Sài Gòn, ngoài Hà Nội, những tay cò làm việc với nhiều mánh khóe tinh vi, và yêu cầu gắt gao hơn. Chúng “bao nuôi” những người quyết định bán thận tập trung ở một địa điểm trong vài tháng trời.

Trong căn nhà lọt thỏm ở hẻm sâu trên đường Giải Phóng, cò Lan dẫn tôi tham quan nơi ăn chốn ở của những người bán thận.

Bước ra từ căn phòng, chị Hà tận Đất Mũi, Cà Mau ra Hà Nội được một tuần nằm chờ bán thận. Giữa căn phòng tối om, bát mì tôm ăn dở, chị gát đũa tiếp chuyện động viên tôi. Người phụ nữ chậm rãi kể về gia cảnh, ở quê làm kiếm đồng tiền khó khăn nên ra thủ đô bán một quả bán, kiếm chút tiền về nuôi đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi học.

Rời nhà cò Lan, tôi tìm về cò Cường theo lời Sơn giới thiệu, Cường là “ông trùm” đường dây mua bán thận uy tín tại Hà Nội, thường hoạt động ở nhiều bệnh viện lớn.

Sau một hồi thẩm định giấy tờ, Cường đưa tôi về căn nhà ở làng Thọ Am, xã Ngũ Hiệp, quận Thanh Trì để nghỉ ngơi đợi ngày mai đi xét nghiệm. Căn nhà hình chữ L, diện tích sử dụng khoảng hơn 100 m2. Đây là nơi ở của 5 người chuẩn bị bán thận.

Chị Thanh (ngụ Đồng Nai), ra Hà Nội gần một tháng chờ “lên ca”, đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho mọi người. Lúc này, Thịnh, em của cò Cường, vừa dẫn Thư (38 tuổi, quê Hải Dương, tài xế) đi xét nghiệm ở Bệnh viện Việt Đức về đây cho kịp bữa cơm trưa. Khi chúng tôi đang ngồi ăn cơm, căn phòng trên tầng 2 bỗng có tiếng thút thít hòa lẫn trong cuộc thoại chị Thanh đang gọi về nhà. Cường bảo: “Khổ cho chị, con gọi ra báo đang bị ốm”.

Tiếng khóc thút thít của chị Thanh, nỗi nhớ nhà đau đáu của Hùng khi ba tháng trời xa con, và ước mơ đổi đời sau khi có tiền nhờ bán thận của Tài khiến tôi cứ mãi ám ảnh. Bất chợt, tôi lại nhớ đến Luân, anh chết đi để lại người vợ với đứa con nhỏ chưa biết mặt cha. Đằng sau phút sa chân là bi kịch.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cai-gia-cua-su-song-post822404.html