Cái khó bó cái khôn

Một trong nhiều khó khăn của các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các tỉnh miền núi khác hiện nay là dịch vụ xe cứu thương - 115. Một bệnh viện huyện hiện nay trung bình chỉ có 1 xe, nhưng đa phần đều quá cũ nát, vì vậy, đầu tư trang bị xe cứu thương cho các huyện miền núi khó khăn là việc rất cần thiết.

Vượt khó... Ông Lữ Thế Dơn ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa cho biết: “Tôi tuổi cao, sức yếu nên ốm đau suốt. Nhiều lần con cháu phải cáng võng tới bệnh viện. Đến được bệnh viện thì người ốm đã lừ đừ, người cáng cũng mệt rã rời. Ở bản tôi, ngay con đường đi vào còn khó, nói chi tới chuyện ngồi xe cứu thương”. Các địa phương rất cần đến xe cứu thương. Trong một chuyến công tác lên xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, tôi đã chứng kiến cảnh một nông dân bị bánh răng bừa máy lồng đâm xuyên qua hông, tình trạng rất nguy kịch cần cấp cứu ngay. Tuy nhiên, xã Sơn Thủy cách Quốc lộ 217 tới 15km và cách bệnh viện huyện hơn 50km, đường sá khó khăn, xe cứu thương không thể vào được. Trước tình hình trên, người dân và cán bộ y tế xã đã sơ cứu và cầm máu cho nạn nhân, sau đó đưa lên chiếc võng có hai đầu buộc vào cây luồng dài, hai đầu luồng buộc chặt trên hai đầu xe đạp để chở bệnh nhân xuống bệnh viện. Mất hơn 30 phút đồng hồ đong đưa trên võng, đánh vật với con đường lầy lội, lổm ngổm đất đá, nạn nhân mới được đưa tới đường quốc lộ, nơi chiếc xe cứu thương của bệnh viện huyện đang chờ sẵn. May sao vẫn còn kịp cấp cứu cho bệnh nhân. Từ trước tới nay, ở miền núi, chiếc xe máy, xe đạp, thậm chí chiếc xe công nông, xe của đội kiểm lâm hay xe của UBND huyện nhiều khi được sử dụng làm phương tiện cứu thương. Các trường hợp bệnh nhẹ như rắn cắn, gãy chân tay, cảm cúm... thì được vận chuyển bằng xe đạp, xe máy. Nhiều trường hợp bị nặng như tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não, huyết áp cao... thì được vận chuyển bằng xe công nông, xe của hạt kiểm lâm... Tất nhiên, các trường hợp này đều phải có sự xử lý linh hoạt của y tế thôn, ấp và xã. Khó quá đi... mượn! Đem chuyện dịch vụ xe cứu thương 115 trao đổi với ông Lò Đình Múi - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, Thanh Hóa, ông cho biết: "Trong điều kiện khó khăn chung, huyện xác định cứu người như cứu hỏa, chính vì thế khi chúng tôi nhận được điện thoại đề nghị giúp đỡ từ phía bệnh viện là chúng tôi ưu tiên điều xe giải quyết ngay". Ông Múi không nhớ rõ huyện đã cho bệnh viện mượn xe bao nhiêu lần, góp phần cứu sống được bao nhiêu người; chỉ biết tháng nào cũng giải quyết xe cho bệnh viện mượn để đi cứu thương. Tìm hiểu tại Bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn thì được biết, từ năm 1997, sau khi tách huyện, bệnh viện được cấp một chiếc xe U- oát cũ (chiếc xe này đã thanh lý năm 2008) và tới năm 1998 thì được cấp thêm một chiếc xe Nissan hiện nay đang sử dụng. Tuy nhiên, chiếc xe này chạy rất tốn xăng, khoảng 28lít/100km. Không chỉ vậy, xe đã xuống cấp nghiêm trọng, năm 2008 bệnh viện phải bỏ ra 70 triệu đồng để làm lại toàn bộ phần động cơ. Cách đây không lâu, xe còn bị mất phanh tại "Dốc 5 cây", km số 4 thuộc địa bàn xã Văn Nho, huyện Bá Thước, va vào cột điện, cả xe và người suýt nữa thì lao thẳng xuống sông Mã. Cả bệnh viện chỉ có một xe cứu thương nên không sao đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh. Nhiều lần có bệnh nhân gọi cấp cứu, bệnh viện chỉ còn biết trông cậy vào UBND huyện để nhờ xe, hoặc tư vấn cho người chở bệnh nhân tới bệnh viện bằng bất cứ phương tiện nào có thể. Ông Hà Văn Công, Giám đốc Bệnh viện huyện Quan Sơn, nói: "Xe ôtô bệnh viện được ưu tiên dùng cho cứu thương. Do đó, mỗi lần đi họp dưới tỉnh, cán bộ bệnh viện thường phải đi xe khách hoặc xe máy". Được biết, tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện miền núi như: Như Thanh, Như Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát... hầu hết chỉ có 1 - 2 xe cứu thương, nhưng những phương tiện này cũng đã ở độ tuổi "lên lão". Trước thực trạng trên, chính quyền các địa phương cùng với ngành y tế cần khảo sát và nhanh chóng bổ sung thêm xe cứu thương như là một yêu cầu cấp thiết cho các bệnh viện huyện, đặc biệt là bệnh viện vùng cao, vùng sâu và vùng đặc biệt khó khăn. Ngọc Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090903101246340p0c61/cai-kho-bo-cai-khon.htm