Cái khó của phim thiếu nhi Việt

Làm sao để phim thiếu nhi Việt 'sống' được trên chính đất Việt?

Đã hơn một tuần chính thức công chiếu, phim điện ảnh thể loại thiếu nhi Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai chỉ đạt doanh thu hơn 4,7 tỷ đồng (từ ngày 27/5 đến ngày 6/6). Con số này chỉ đạt được 15,6% so với chi phí sản xuất khoảng 30 tỷ đồng và không phải là một con số ấn tượng xứng đáng với những gì được kỳ vọng. Trong khi đó Doraemon: Nobita Và Cuộc Chiến Vũ Trụ Tí Hon phát hành cùng thời điểm đã thu về hơn 32 tỷ đồng - gấp 6,8 lần so với Maika.

Từ Trạng Tí đến Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai, chúng ta có thể thấy rằng phim dành cho thiếu nhi "made in Vietnam" hoàn toàn bị "thất sủng" từ tranh cãi nảy lửa đến thờ ơ. Và điều tiếc nuối hơn hết rằng khi nhắc đến phim thiếu nhi Việt chỉ là những lần ú ớ, ngớ người vì chẳng thể nhớ nổi một cái tên Việt nào. Thay vào đó, Doraemon hay Tom & Jerry ngự trị trong tâm trí của những đứa trẻ.

Ngay cả Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai được phát hành trong thời gian gần đây cũng không phải là một tác phẩm Việt "nguyên bản" mà lấy ý tưởng từ nhân vật Maika huyền thoại thời kỳ trước. Không thể phủ nhận những ưu điểm và nỗ lực của nhà sản xuất với dòng phim thiếu nhi nhưng thực tế thể loại này vẫn rất "khó sống" khi đứng trước nhiều thách thức.

Phi logic, cosplay lộ liễu và thiếu tính "nguyên bản"

Trong 10 năm trở lại đây, phim dành cho trẻ em chỉ đếm trên đầu ngón tay với một số tác phẩm như Bảo Mẫu Siêu Quậy, Trạng Tí Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai,... Nói đến bộ phim thành công nhất và khai thác được tính Việt chính là Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh. Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có được những thước phim đẹp đầy thơ mộng như tua về ký ức tuổi thơ của khán giả tạo nên sự đồng cảm với những trò chơi dân gian Việt Nam được bài trí chỉn chu. Đạo diễn Victor Vũ cho thấy khả năng cụ thể hóa tác phẩm và có tâm hồn đồng điệu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Tuy nhiên, nét thuần Việt được thể hiện trong phim cũng là những điều được khắc họa trước đó từ sách, nói đúng hơn Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh vẫn chưa là "kịch bản phim nguyên thủy". Ngoài ra, tính cách của nhân vật khắc họa hơi yếu so với sách.

Từ những thực tế trên, điện ảnh Việt phải công nhận rằng phim thiếu nhi là một lỗ hổng lớn và khó lấp đầy. Trước hết phải nhắc đến kịch bản - nền móng để tạo nên một bộ phim hay và chặt chẽ là điều điện ảnh Việt đang thiếu hụt rất nhiều, đặc biệt phim thiếu nhi lại càng là một bài toán khó.

Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai là một tác phẩm khá chỉn chu về những mảng miếng hài hước, kỹ xảo đẹp mắt và rất thực nhưng kịch bản lại rời rạc, lộn xộn. Bên cạnh đó, Maika còn đứng cạnh với Doraemon: Nobita Và Cuộc Chiến Vũ Trụ Tí Hon doanh thu ngót nghét 20 tỷ thì càng lép vế hơn. Chẳng ai dại gì mà không chọn một tác phẩm vừa quen vừa đảm bảo về chất lượng như Doraemon, điều này khiến Maika đã mờ nhạt lại còn yếu thế hơn.

Ngoài ra khi làm phim về thiếu nhi, tranh cãi là điều khó tránh khỏi. Một cái đầu người lớn để hiểu bộ não phong phú của trẻ con không phải là chuyện dễ điển hình là lùm xùm của bộ phim điện ảnh do Ngô Thanh Vân cầm trịch - Trạng Tí: Phiêu Lưu Ký. Bỏ qua những câu chuyện về bản quyền, Trạng Tí: Phiêu Lưu Ký vốn là một tác phẩm tốt về mặt kỹ xảo, chỉn chu về nội dung nhưng điều gây ra tranh cãi chính là yếu tố sáng tạo mà phim mang lại không đúng với những gì mà khán giả "mặc định" về Trạng Tí từ drama "quả bưởi" đến cosplay Ice Age: Dawn of the Dinosaurs.

Thể loại "hẹp", trăm ngàn cái khó

Người ta thường nói: "Trẻ con mà có biết gì đâu’’, một câu vui đùa tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa gì nhưng thực tế lại ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Phim thiếu nhi tập trung vào khán giả trẻ con chính vì thế nhà làm phim muốn tiếp cận được chúng phải thông qua "khán giả trung gian" là bố mẹ. Không phủ nhận phim thiếu nhi người lớn vẫn xem được nhưng phải cần đủ mạnh để vừa thuyết phục một tâm hồn mơ mộng của trẻ con và suy nghĩ đã thực dụng của người lớn. Lấy minh họa là bộ phim Trạng Tí, hầu hết tranh cãi đều xoay quanh suy nghĩ của người lớn thay vì hướng đến giá trị cho trẻ nhỏ.

Điểm hạn chế tiếp theo của thể loại này ở Việt Nam chính là khâu kịch bản. Không phải một mà là tất cả những bộ phim thiếu nhi đều nhuốm màu mộng mơ nói về tình thân, tình bạn và những triết lý "lý thuyết’’. Thế nhưng, xã hội ngày càng phát triển và suy nghĩ của trẻ con cũng lớn theo từng ngày. Thể loại này thiếu sự miêu tả về yếu tố thời sự, các vấn đề xã hội một cách tinh tế hơn. Có thể thấy, Maika - Cô Bé Đến Từ Tương Lai chỉ xoay quanh những lý thuyết đơn thuần về tình bạn, tình người thiếu cách đưa ra cách giải quyết thuyết phục. Điển hình là chi tiết mâu thuẫn khó hiểu giữa Cu Béo và anh trai và màn hòa giải vô lý.

Cái khó của làm phim thiếu nhi là phải khiến cả khán giả nhỏ và lớn được thuyết phục bởi tình tiết trong phim. Hơn thế, sau khi xem phim phụ huynh sẽ có thể rút ra những bài học đắt giá gì cho con cái và quá trình nuôi dưỡng chúng. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã từng chia sẻ về bộ phim Trạng Tí sau bao sóng gió khi làm phim: "Hồi làm phim Trạng Tí , mình cũng mang tư tưởng làm một bộ phim chỉn chu cho thiếu nhi nhưng người lớn cũng xem được. Thật ra ý tưởng ấy xuất phát từ việc rất hâm mộ những phim của Walt Disney vì họ làm phim cho gia đình thì đúng hơn, cho cả 3 thế hệ xem, ông bà cha mẹ và các bé".

"Vậy mà bị qua hai mùa dịch, phim Trạng Tí không được cái may mắn đến với tất cả các bạn gần xa", Ngô Thanh Vân nuối tiếc đối với dự án Trạng Tí của mình.

Cuối cùng, chính những cái "khó" đó đã khiến ít người mặn mà khi đi vào một "ngõ hẹp" của điện ảnh Việt. Không chỉ nằm ở câu chuyện giáo dục, một khi quyết định đầu tư, sản xuất một bộ phim thiếu nhi thì buộc phải hiểu rằng "bài toán kinh tế" sẽ khó khăn hơn nữa khi doanh thu khó bùng nổ.

Cơ hội để phim thiếu nhi "ăn khách"

Đứng trước muôn vàn khó khăn "thù trong giặc ngoài" nhưng không đồng nghĩa với việc phim thiếu nhi Việt Nam không có cơ hội để ăn khách. Sẽ còn rất lâu để phim Việt đạt được những thành tựu như Disney hay Ghibli nhưng nếu vận dụng được tốt thế mạnh đó chính là cơ hội.

Từ những bộ phim có yếu tố thiếu nhi như Nắng, Lật Mặt V, Hai Phượng hay Bóng Đè có thể rút ra công thức có thể là cơ hội để phim thiếu nhi phát triển. Không chỉ khai thác những câu chuyện đơn thuần và dày đặt lý thuyết, phim thiếu nhi cần phác họa tinh tế bằng cách khai thác câu chuyện rất đời, nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc. Ở Nắng, trẻ em sẽ thấy được tinh thần vượt khó, sự tích cực dù cho cuộc đời khó khăn. Hay Bóng Đè là hành trình phát triển suy nghĩ đầy mạnh mẽ của hai cô bé do Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi thủ vai giúp ba của mình vượt quá ám ảnh của bóng ma.

Ngoài ra, khi làm phim thiếu nhi buộc người lớn phải học cách bé lại. Điển hình là bộ phim Doraemon, rõ ràng ai cũng biết rằng nhân vật này là hư cấu nhưng trẻ em khi xem phim đều tin và ước mơ mình có một người bạn như chú mèo máy đáng yêu. Qua mỗi phần phim đều dạy cho trẻ những bài học bổ ích và thực tế có thể áp dụng vào cuộc sống. Đặc biệt việc tận dụng tài nguyên của những tác phẩm truyện tranh thuần Việt là chất liệu tuyệt vời cho phim thiếu nhi.

Chưa kể, điện ảnh Việt cũng không thiếu những diễn viên nhí có khả năng thể hiện cảm xúc tuyệt vời như Lâm Thanh Mỹ, Chu Diệp Anh, Mai Cát Vi, Tuấn Phong,...

Để tạo những tác phẩm dành cho trẻ em chưa bao giờ là dễ dàng và đó là thách thức của nhà làm phim ở hiện tại và tương lai. Điện ảnh Việt cần có những giai điệu, nhân vật thuần Việt phát triển để góp phần nâng tầm phim ảnh mang màu sắc đặc trưng, tận dụng tốt những giá trị nghệ thuật truyền thống.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cai-kho-cua-phim-thieu-nhi-viet-2202276224214197.htm